Kể từ tháng 1-2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo đó, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam. Thế nhưng, không phải đợi đến thời điểm đầu năm tới, hàng loạt các tên tuổi lớn về bán lẻ châu Á (như Central Group, Aeon Mall, Lotte Mart, Big C...) đã vào Việt Nam qua triển khai các mô hình đại siêu thị khi họ được phép phân phối hàng hóa tại thị trường trong nước.
Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện phần nào qua ước tính doanh thu hơn 80 tỷ USD trong năm 2014 và lên tới 100 tỷ USD vào năm 2016 (theo Công ty Nghiên cứu thị trường Statista - Đức). Một nghiên cứu được công bố trong quý 2 của Tập đoàn bất động sản thương mại CB Richard Ellis (CBRE) của Mỹ cũng cho biết, Hà Nội nằm trong nhóm 3 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau hai thành phố của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải. Hà Nội hiện cũng đang xếp vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng 19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Với những tiềm năng đó, Việt Nam đã trở thành thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.
Để có chỗ đứng trên sân nhà, các doanh nghiệp nội cũng đã có ý thức hơn trong việc củng cố lại “mặt trận” của mình. Trong kế hoạch năm 2014, Saigon Co.op đặt mục tiêu phát triển thêm 10 siêu thị, trung tâm thương mại, 20 cửa hàng thực phẩm với tổng doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2013. Một tên tuổi phía Bắc là Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống bán lẻ ở các điểm bán hàng có ưu thế; phát triển thị trường nông thôn và các tỉnh, thành phía Bắc thông qua nhiều mô hình kinh doanh như trung tâm thương mại, tổ hợp trung tâm - văn phòng, chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tự chọn…
Thế nhưng những nỗ lực đó không thấm vào đâu so với thực tế là doanh nghiệp nội đang ngày càng phải đối mặt sức ép mất “trận địa” ngay trên sân nhà. Tại hội thảo về vấn đề này gần đây, các đại diện các doanh nghiệp bán lẻ trong nước thừa nhận, các nhà bán lẻ nước ngoài vào sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng lại khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do đang thua kém cả về công nghệ, thương hiệu, vốn...
Không những vậy, cái khó với doanh nghiệp trong nước còn đến từ tư duy lạc hậu của cơ quan quản lý. Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, Hapro từng làm việc với một số sở, ngành ở Hà Nội để được xây dựng siêu thị tại nhà ga Hà Đông. Thế nhưng, đại diện ngành giao thông Hà Nội cho biết, trong đầu họ không có khái niệm kinh doanh cùng với ga tàu điện ngầm. Trong khi đây lại là thực tế phổ biến tại các nước phát triển.
Ngoài ra, thực tế cho thấy các địa phương thường ưu tiên cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những nhà phân phối trong nước lớn, muốn mở rộng hệ thống như Saigon Co.op, Phú Thái… dù muốn mở rộng kênh phân phối nhưng khó có thể kiếm được những địa điểm thuận lợi. Chính điều đó vô hình trung đã gạt hệ thống phân phối của Việt Nam ra ngoài cuộc, để cho hệ thống phân phối nước ngoài có thể chiếm lĩnh những vị trí tốt nhất.
Việc các siêu thị ngoại chiếm lĩnh thị trường còn kéo theo nỗi lo về khả năng tiêu thụ của sản phẩm nội. Tại các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Lotte, Big C... phần lớn những mặt hàng như: điện gia dụng, mỹ phẩm, túi xách, rượu… hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế. Hàng Việt chỉ có mặt nhiều ở lĩnh vực thực phẩm thiết yếu. Sẽ không lạ nếu từ năm 2015, tỷ lệ hàng sản xuất tại Thái Lan tăng cao tại Metro khi Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước vẫn còn cơ hội để cạnh tranh trên sân nhà. Đó là, doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới thị trường nông thôn và mô hình bán lẻ truyền thống bởi xu hướng này sẽ còn duy trì hơn 10 năm nữa. Cùng với đó, để phát triển lĩnh vực bán lẻ hiện đại, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống phân phối, tăng cường phân phối nội địa, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước…
Ngoài ra, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội và ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, rất cần những cơ chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan phải minh bạch hóa. Thêm vào đó, Chính phủ nên đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp thực hiện cộng với sự ủng hộ của người dân thông qua cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hệ thống bán lẻ Việt Nam sẽ đứng vững và đáp ứng được nhu cầu.
HÀ MY