Vài năm nay, câu chuyện quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy điện, nhiệt điện, điện gió và điện hạt nhân vì mục tiêu an ninh năng lượng của đất nước đã được xới lên nhiều lần. Trong bối cảnh đó, việc Bộ Công thương vừa cho phép xây dựng hàng loạt dự án nhiệt điện ở miền Nam, trong đó có dự án xây dựng trung tâm nhiệt điện với tổng đầu tư khoảng 5 tỷ USD tại tỉnh Long An (ngay sát TPHCM) khiến nhiều ý kiến lo ngại. Thông tin này cũng rộ lên đúng vào thời điểm xảy ra sự cố cháy nổ tại công trình thi công dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận). Cháy nổ, an toàn lao động chỉ là chuyện nhỏ so với các vấn đề đáng quan ngại hơn như vốn đầu tư từ đâu, xử lý hậu quả môi trường thế nào, nguyên nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động, bài toán hiệu quả kinh tế từ nhiệt điện…
Theo báo cáo từ Bộ Công thương, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy là 13.110MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Theo quy hoạch tới năm 2020, sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than khác được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt sẽ được nâng lên 24.370MW.
Theo Bộ Công thương, đến thời điểm hiện tại, các nhà máy đã thực hiện đầy đủ việc lập và trình Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Về vấn đề đáng quan ngại là xử lý các hậu quả mà nhiệt điện gây cho môi trường, Bộ Công thương cho biết các nhà máy sẽ áp dụng quy trình rút nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt để xử lý theo quy chuẩn về môi trường, hầu hết được tuần hoàn tái sử dụng cho các mục đích khác nhau, nước làm mát được xả ra sông hoặc biển đảm bảo nhiệt độ thấp hơn 400C để không ảnh hưởng tới môi sinh, lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, xử lý khí khải độc hại... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ tiêu kỹ thuật mà các dự án nhiệt điện tỏ ra bất lực, như việc kiểm soát bụi, khí thải khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO, bởi hiện nay hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa khả dụng do nguy cơ cháy nổ.
Về xử lý chất thải rắn, hiện hơn 15,7 triệu tấn xỉ than xả ra mỗi năm của 20 nhà máy đang hoạt động chưa thể tìm được “đầu ra” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg, vì các nhà máy sản xuất xi măng, gạch không nung không đủ điều kiện tiếp nhận. Hàng chục triệu tấn tro xỉ thải ra là một nguồn rác khổng lồ tác động đến môi trường không dễ xử lý.
Bên cạnh đó, hệ thống nhiệt điện hiện nay còn là nỗi lo về nguồn nhiên liệu cung ứng. Theo quy hoạch điện đến năm 2020, dự kiến lượng than cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động sẽ lên tới hơn 112 triệu tấn và thải ra môi trường khoảng 30 triệu tấn tro, xỉ mỗi năm. Dù Việt Nam được xem là “mỏ vàng đen” của thế giới với trữ lượng 3,5 tỷ tấn than, nhưng trước sức ép của các nhà máy nhiệt điện, nước ta sẽ phải nhập khẩu than để phát điện. Với sản lượng khai thác hiện tại chỉ đạt 40 triệu tấn/năm, những chỗ “ngon lành” đã khai thác hết, thiếu than là cảnh báo của các chuyên gia từ nhiều năm nay. Việt Nam sẽ tính toán bài toán kinh tế như thế nào khi ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện vốn dĩ không được coi là thân thiện với môi trường và sự phát triển bền vững? Theo Quy hoạch điện 7 đã được phê duyệt cho giai đoạn 2016 - 2020, riêng tại khu vực ĐBSCL sẽ có tới 14 dự án nhiệt điện xây dựng. Để tiết kiệm điện năng, các dự án nhiệt điện than phải đặt gần nơi tiêu thụ, đó là các khu đô thị. Như vậy, nguồn nhiên liệu sẽ phải vận chuyển từ miền Bắc vào hoặc nhập khẩu Trung Quốc về ĐBSCL để phát điện. Không ít chuyên gia cho rằng, các dự án điện ở ĐBSCL sẽ mất cân bằng về nguồn nhiên liệu hơn là nhu cầu năng lượng. Cùng với đó là dấu hỏi về ô nhiễm các dòng sông.
Những hậu quả về môi trường do phát triển nóng ở các nước là bài học đắt giá mà Việt Nam phải soi chiếu. Năng lượng cho phát triển là rất quan trọng nhưng không nên vẽ dự án khó sửa sai và để lại hậu quả đáng tiếc.
VĂN PHÚC