Ngày 8-10, người dân phát hiện nguồn nước khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) bị đổ trộm dầu thải. Dầu chảy ra suối Trâm rồi lan vào hồ Đầm Bài - nơi chứa nước để cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà do Công ty cổ phần Nước sạch sông Đà (Viwasupco) quản lý. Ngày 9-10, Viwasupco thuê người dân vớt dầu loang. Ngày 10-10, người dân khu vực Tây Nam Hà Nội phát hiện nước có mùi khét. Đến ngày 14-10, Viwasupco mới báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội về việc xe tải chở dầu nhớt thải đổ trộm vào khe núi xã Phú Minh. Sau đó, “nước sạch” cung cấp cho người dân ở một số quận huyện của Hà Nội được xác định bị nhiễm chất styren với tỷ lệ cao hơn 1,3 - 3,6 lần so với mức cho phép. Thiệt hại không thể đong đếm được, nhưng câu trả lời khi được hỏi về việc xem xét đền bù thiệt hại cho người dân thì lãnh đạo Viwasupco chỉ đề cập đến việc mình là nạn nhân lớn nhất trong sự cố này và liên quan đến quyền lợi người dân thì... chờ kết luận điều tra.
Nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe người dân nhưng lại chậm trễ báo cáo, vẫn bán nước không đảm bảo chất lượng thì thật khó có thể nói là doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm với người tiêu dùng trong sự cố nêu trên. Thậm chí, lời nhận xét về doanh nghiệp thiếu đạo đức trong kinh doanh, nghe có vẻ nặng nhưng cũng không oan! Bởi đạo đức kinh doanh đòi hỏi chủ thể kinh doanh không dùng các thủ đoạn gian xảo hoặc phi pháp để kiếm lời; giữ chữ tín trong kinh doanh, bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ và cam kết với người tiêu dùng…
Trong tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, nhân dân lo lắng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị Bộ Công thương, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm.
Cũng vì liên quan đến đạo đức - những hành vi không được quy định trong hệ thống pháp luật nên nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới đã phải đề ra bộ quy định cho riêng mình. Ví dụ như Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã thiết lập bộ quy tắc đạo đức dành cho các cá nhân và tổ chức bán hàng trực tiếp tại Việt Nam nhằm mục đích: khuyến khích các thông lệ kinh doanh chuẩn mực; thể hiện nỗ lực và quyết tâm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; và thúc đẩy việc tự nguyện tuân thủ.
Để phát triển bền vững, ngoài những nguyên tắc kinh doanh tuân thủ theo cơ chế thị trường và luật pháp, các doanh nghiệp còn phải tuân theo những chuẩn mức đạo đức xã hội và đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, ở nước ta, quy định pháp luật chưa hoàn chỉnh, chuẩn mực đạo đức kinh doanh chưa hình thành một cách đầy đủ nên những người làm ăn chính đáng lại chịu nhiều thiệt thòi hơn những người làm ăn vi phạm. Từ đó đã nảy sinh hiện tượng người này làm được, người kia cũng làm được khiến tình trạng vi phạm đạo đức kinh doanh, đạo đức xã hội ngày càng trầm trọng hơn.
Vụ việc liên quan đến trách nhiệm của Viwasupco, theo sau hàng loạt những nhức nhối khác đã xảy ra như: bán thuốc ung thư giả; thực phẩm bẩn…, cho thấy vấn đề đạo đức trong kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp thực sự đáng báo động. Vì lợi nhuận, sợ ảnh hưởng uy tín mà doanh nghiệp sẵn sàng hy sinh quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, dù “thượng đế” đang là người trả tiền để công ty tồn tại và phát triển. Người tiêu dùng bỏ tiền ra để mua nước sạch, sản phẩm chất lượng nhưng họ nhận được một sản phẩm bẩn mà lãnh đạo công ty không xin lỗi, nhận trách nhiệm, lại còn nói mình bị thiệt hại nhất thì thật… nực cười. Lời xin lỗi, trong tình huống này bỗng dưng trở nên xa xỉ và thật lo ngại khi nằm ở doanh nghiệp cung cấp một trong những mặt hàng thiết yếu nhất. Và như vậy, ô nhiễm nguồn nước là nỗi lo thường trực của các gia đình.