Nỗi lo rớt giá

Hiện nay nông dân các tỉnh, thành ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Từ sau Tết Nguyên đán, giá lúa khô mua tại kho loại thường dao động 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 - 5.800 đồng/kg, tăng thêm 100 - 200 đồng/kg so với trước tết.

Hiện nay nông dân các tỉnh, thành ĐBSCL bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân. Từ sau Tết Nguyên đán, giá lúa khô mua tại kho loại thường dao động 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.700 - 5.800 đồng/kg, tăng thêm 100 - 200 đồng/kg so với trước tết.

Thế nhưng, theo nhận định của bà con nông dân, họ không được lợi gì từ giá lúa này do hầu hết diện tích mới vào vụ và giá lúa tăng chỉ mang tính nhất thời. Khi lúa đông xuân vào thời điểm thu hoạch rộ, nhiều khả năng giá lúa sẽ giảm trở lại. Vụ đông xuân 2013 - 2014, ĐBSCL xuống giống khoảng 1,6 triệu ha. Diện tích lúa đã thu hoạch ước khoảng 200.000ha, năng suất khoảng 6,1 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,22 triệu tấn. Ngoài nỗi lo về giá, bà con còn lo hạn hán, rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, mặn xâm nhập… đe dọa.

Theo mức giá thành sản xuất vừa công bố mới đây, giá  bình quân tại các tỉnh, thành ĐBSCL khoảng 3.769 đồng/kg. Ở Đồng Tháp có mức 4.166 đồng/kg. Tại An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2013 - 2014 là 3.963 đồng/kg, Long An (3.795 đồng/kg), Tiền Giang (3.652 đồng/kg), tất cả đều tăng so với vụ đông xuân trước.

Đây là mức giá do Bộ Tài chính công bố sau khi thống nhất với Bộ NN-PTNT để làm căn cứ cho các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân mua lúa đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo trong tháng vừa qua chủ yếu là giao hàng đi Philippines theo dạng hợp đồng cấp chính phủ đã ký hai tháng trước đó, trong khi lượng gạo xuất đi Trung Quốc và châu Phi giảm mạnh. Các thị trường này còn chờ chúng ta thu hoạch rộ vụ đông xuân mới đưa ra mức nhập khẩu rõ ràng. Tuy nhiên, lúc cao điểm thu hoạch cũng là lúc gạo Việt Nam thường bị các đối tác nhập khẩu ép giá. VFA dự báo xuất khẩu gạo trong tháng 2 này không chênh lệch nhiều so với tháng trước, trong khoảng từ 300.000 đến 350.000 tấn. Gần đây, xuất hiện thêm thông tin Thái Lan sẽ “xả” kho gạo trợ giá nên nông dân càng thêm lo lắng.

Từ năm 2001, khi giá lúa xuống thấp, Chính phủ đã chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo để cứu giá lúa. Chương trình tạm trữ đã tồn tại 13 năm với không ít ý kiến tán đồng lẫn phản đối. Tựu trung, phần lớn các ý kiến phản đối đều cho rằng chính sách tạm trữ không có lợi cho nông dân mà chỉ có lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo của Chính phủ trong nhiều năm qua được nhìn nhận là một chủ trương đúng và phù hợp với tình hình, tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp chủ động trong thu hoạch, tiêu thụ lúa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giá. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội thảo để tìm ra một cơ chế tạm trữ lúa gạo mang lợi ích trực tiếp đến nông dân nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có lời giải đáp. Thực chất, chính sách tạm trữ rất khó có thể đem lại lợi ích tối đa cho tất cả các bên liên quan. Bộ NN-PTNT, VFA đều khẳng định, thu mua tạm trữ lúa, gạo không phải là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là giải pháp để điều tiết thị trường, hỗ trợ thu mua lúa trong giai đoạn cao điểm thu hoạch nhằm đẩy giá lúa lên theo chiều hướng có lợi cho nông dân.

Hiện nay cũng chưa có giải pháp nào khả thi hơn giải pháp này khi giá lúa thị trường có xu hướng giảm. Do vậy, vụ đông xuân 2013 - 2014, VFA kiến nghị vẫn giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ nhưng để doanh nghiệp mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, theo VFA, bên cạnh việc sửa đổi một số quy định trong Nghị định 109/2010 và Thông tư 44/2010 của Bộ Công thương, Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét thay thế giải pháp tạm trữ bằng giải pháp phù hợp hơn.

Đầu ra tiêu thụ và xuất khẩu mới là yếu tố quyết định giá cả lúa gạo và lưu thông thị trường. Trong những năm gần đây, nước ta luôn xuất khẩu từ 7 triệu tấn gạo trở lên, thậm chí năm 2012 xuất khẩu tới 7,7 triệu tấn. Năm 2014, dự kiến cả nước cũng sẽ xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo. Vấn đề là các cơ quan chức năng điều hành chính sách cần có giải pháp đúng đắn, khả thi để giảm bớt nỗi lo cho nông dân, tạo động lực cho người trực tiếp sản xuất ra hạt lúa.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục