Nỗi lo thực phẩm nguy hại cuối năm

Năm hết, tết cũng cận kề, thời điểm này thị trường thực phẩm trở nên sôi động, phong phú nhất. Thế nhưng, song hành đó là những nỗi ám ảnh bệnh tật, ngộ độc, dịch bệnh lây truyền liên quan tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) khi thực phẩm kém chất lượng, gia vị chế biến, phụ gia thực phẩm độc hại tràn ngập thị trường.

Vài tuần trở lại đây, nhiều người tiêu dùng trong nước hoang mang trước thông tin gia vị lẩu Tứ Xuyên có chất gây ung thư. Chưa dừng lại, khắp các chợ đầu mối, từ Tân Thanh, Đông Kinh (Lạng Sơn), Đồng Xuân, Chợ Hôm - Đức Viên (Hà Nội) đến Kim Biên (TPHCM) đầy rẫy những quầy hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm nguy hại, không nguồn gốc, không an toàn chất lượng. Thậm chí, ngay cả trong siêu thị lớn, hiện đại giữa lòng thủ đô cũng kinh doanh nhiều loại hoa quả và gia vị lẩu… “3 không”.

Trong khi đó, cách đây không lâu, tại hội thảo kiểm nghiệm thực phẩm, một thứ trưởng Bộ Y tế đã chua xót nhận định: Hàng ngày, hàng giờ, người dân lo lắng mỗi khi ra chợ vì không biết lựa chọn thế nào để mua được những thực phẩm an toàn. Trong khi, rất nhiều địa phương đang hình thành lối kinh doanh “rau trồng ăn riêng, heo bán ăn riêng…” để tha hồ phun các loại hóa chất độc hại, các thuốc kích thích tăng trưởng, nhằm đem lại lợi nhuận kinh doanh bất chấp những lo ngại về mặt sức khỏe… Quả thực, mất ATVSTP đã và đang trở thành vấn nạn xã hội bức xúc kéo dài triền miên và càng trở nên nóng bỏng vào dịp cuối năm mà chưa có lời giải hợp lý.

Thực tế, sau mỗi vấn đề, vụ việc liên quan tới chuyện “ăn uống” được phát hiện, cảnh báo thì trách nhiệm của các bộ ngành chức năng, chính quyền các cấp trong quản lý ATVSTP lại càng bộc lộ sự lỏng lẻo và yếu kém. Lâu nay, không ít loại thực phẩm, gia vị chế biến, phụ gia thực phẩm độc hại được nhập lậu, mua bán công khai và sử dụng ngang nhiên. Phải chăng cơ quan chức năng không biết, hay biết mà không có cách giải quyết, chỉ khi có cảnh báo từ nước ngoài, rồi báo chí, dư luận lên tiếng mới vào cuộc kiểm tra, xử lý? Rõ ràng, Bộ Y tế, Cục ATVSTP - đầu mối về quản lý chất lượng ATVSTP cũng như các bộ, ngành có trách nhiệm hay chính quyền dù có câu trả lời, lý giải nào đi nữa cũng cho thấy năng lực yếu kém và buông lỏng trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân qua việc quản lý chất lượng ATVSTP.

Thống kê cho thấy, trong năm 2010 cả nước đã xảy ra hơn 128 vụ ngộ độc thực phẩm, với gần 4.700 người mắc, trên 3.260 người nhập viện và 40 người tử vong. Tuy nhiên đây chỉ là bề nổi của tình trạng mất ATVSTP ở nước ta, khi nhiều dịch bệnh liên tiếp xảy ra, làm nhiều người mắc và tử vong, nguyên nhân sâu xa là việc ăn phải chất độc hại. Hơn nữa, tình trạng mua bán, sử dụng các loại hóa chất, gia vị nguy hại, nguyên liệu không đảm bảo trong sản xuất chế biến thực phẩm đang âm thầm gặm nhấm sức khỏe người dân. Càng lo ngại hơn khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm hiện còn rất yếu và thiếu. Đặc biệt, đối với phụ gia và chất bảo quản thực phẩm hầu như chưa có tỉnh nào đủ khả năng kiểm nghiệm.

Trước nguy cơ gia tăng tình trạng mất ATVSTP cuối năm, hàng chục đoàn thanh kiểm tra liên ngành đã ra quân, ráo riết kiểm tra chất lượng thực phẩm từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên xem ra đây chỉ là những biện pháp mang tính… thời vụ, khó đem lại hiệu quả cao và sự an tâm cho người tiêu dùng. ATVSTP có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, tới phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Do đó, việc bảo đảm ATVSTP phải được kiểm tra giám sát thường xuyên, chặt chẽ trong cả các khâu chuỗi “từ trang trại cho đến bàn ăn”. Hơn nữa, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải nâng cao và thể hiện rõ ràng, quyết liệt hơn trách nhiệm trong quản lý chất lượng vệ sinh thực phẩm, nếu không người tiêu dùng dù có “thông thái” đến mấy vẫn cứ nơm nớp lo sợ vì thực phẩm nguy hại tràn lan.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục