Nỗi nhớ con phà

Nhà tôi cách bến phà Cần Thơ chừng vài cây số, theo đường chim bay. Bao năm qua, khi đêm lắng vào chiều sâu, tôi lại nghe tiếng phà vang vọng giữa không gian. Lạ lùng thay, động cơ của máy phà không thể lẫn với bất kỳ âm thanh nào như lời ru cho tôi vào giấc ngủ yên lành. Rồi đến ngày cây cầu Cần Thơ như một con rồng vươn mình nối hai bờ sông Hậu, tiếng máy phà quen thuộc đã lui vào quá khứ, để lại trong lòng tôi một nỗi niềm bâng khuâng.
Nỗi nhớ con phà

Nhà tôi cách bến phà Cần Thơ chừng vài cây số, theo đường chim bay. Bao năm qua, khi đêm lắng vào chiều sâu, tôi lại nghe tiếng phà vang vọng giữa không gian. Lạ lùng thay, động cơ của máy phà không thể lẫn với bất kỳ âm thanh nào như lời ru cho tôi vào giấc ngủ yên lành. Rồi đến ngày cây cầu Cần Thơ như một con rồng vươn mình nối hai bờ sông Hậu, tiếng máy phà quen thuộc đã lui vào quá khứ, để lại trong lòng tôi một nỗi niềm bâng khuâng.

  • Niềm vui đan xen lưu luyến

Tình cờ tôi gặp anh Chín Thu nhà ở khu vực 3 cồn Cái Khế, thành phố Cần Thơ. Anh nặng lòng với tiếng phà còn hơn cả tôi, vì anh sống gần bến phà đã hơn 60 năm. Anh làm nghề sửa chữa máy ghe, tàu ven dòng Hậu Giang cũng gần 40 năm và qua lại sông trên những con phà từ lúc còn thô sơ đến hiện đại không biết bao nhiêu lần.

 Anh tâm sự: “Từ khi bến phà ngưng hoạt động đến giờ, tui đâm ra khó ngủ và nằm trằn trọc nhớ tiếng phà đêm vọng về. Có khi mơ màng như nghe thấy tiếng máy phà quen thuộc hồi nào, lúc chợt tỉnh lại mới nhận ra tiếng động cơ tàu sông có trọng tải lớn đang chạy ngang qua. Nói thiệt với chú, giờ phóng xe qua cầu sướng thiệt, nhưng sang được bờ bên kia phải đi vòng khoảng 16km, tốn tiền hơn hồi đi phà chỉ mất vài ngàn đồng. Cỡ mình còn cảm thấy nhớ đến phà, huống chi bà con nghèo ở hai bên bờ sông qua lại buôn bán, học hành, làm ăn thì hổng biết họ còn luyến tiếc tới đâu?”.

Nghe anh Chín nói vậy, một niềm cảm xúc khó tả bỗng dâng lên trong tôi. Những người dân sống hai bên bờ sông Hậu tự hồi nào vẫn thường đi lại trên những chuyến phà quen thuộc. Ước nguyện có cây cầu bắc qua sông nay đã thành sự thật. Nhưng đối với bà con ở hai đầu bến phà thì niềm vui và nỗi lưu luyến cứ đan xen. Họ vẫn mong sao vừa có cây cầu vừa có những con phà dù nhỏ hơn trước cũng được, để qua sông cho thuận tiện.

Những chuyến phà chỉ còn trong hoài niệm. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Những chuyến phà chỉ còn trong hoài niệm. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Tôi xách xe chạy qua cầu sang bờ sông phía bên huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để chia sẻ những nỗi niềm chộn rộn ấy của bà con cô bác nơi đây. Ghé thăm chị Nguyễn Thị Bé Ba, người quen từ trước, nhà ở gần chợ Bà thuộc xã Thành Lợi. Cách nay mấy chục năm ròng, chị làm nghề thu mua sản vật của bà con tự nuôi trồng và đánh bắt được, như rau củ quả, gà vịt, cá tép… rồi giao cho chồng qua phà sang Cần Thơ bán, kiếm lời nuôi cả gia đình.

Nay phà không còn, chồng chị đưa hàng nông sản qua cầu và tính toán thấy lời quá ít nên chị đành đồng ý cho anh qua Cần Thơ làm phụ hồ. Chồng chị đi làm từ sớm tinh mơ tới tối mịt mới về đến nhà, tuy mệt và cực nhưng mỗi tuần cũng kiếm được 500 – 600 ngàn đồng. Trừ tiền xăng xe, ăn trưa, cà phê cũng còn tạm đủ ăn cho vợ con và bà nội sắp nhỏ.

Rót ly nước trà mời tôi, chị giãi bày: Thằng lớn nhà tui học ngày hai buổi bên Đại học Cần Thơ, đi lại bằng xe ngoài thấy tốn kém và hay bị trễ giờ học nên phải đi chung xe với cha. Thấy cha con có lúc khúc mắc do chiếc Honda 67 cũ mèm thường bị trục trặc nên tui làm đơn xin vay ngân hàng theo chính sách sinh viên nghèo gì đấy, để ráng mua lại cho nó chiếc xe Trung Quốc của dì Út. Cậu biết hông – chị chỉ tay về hướng bến phà – giá như vừa có cầu, vừa có phà chạy như trước thì hay biết chừng nào. Nhiều người ở xung quanh đây trước thường qua bên Cần Thơ làm ăn, nay đành bám trụ bên này nên đời sống càng trở nên chật vật hơn.

Đó là ý nghĩ chân thành của chị Bé Ba và có lẽ cũng là của chung nhiều người dân có hoàn cảnh tương tự ở nơi đây. Rời nhà chị, tôi đi xuôi về khu vực gần bến phà. Trước đây nơi này đông đúc người và xe qua lại, các hộ dân hai bên đường dẫn lên phà buôn bán tấp nập. Vậy mà bây giờ thưa thớt, vắng tanh. Tôi ghé vào một quán tạp hóa không có khách, chỉ có chị chủ quán đang ngồi chăm chú xem ti vi. Chủ nhà thấy có khách, mặt sáng lên: Anh mua gì vậy? Tôi trả lời rằng mua bọc bánh, rồi tự kéo chiếc ghế nhựa ngồi xuống bậc cửa ra vào.

Khi bắt chuyện làm quen, tôi được biết chủ nhà là Trần Thị Ngọc Sương. Chị cho biết: Hiện tại việc kinh doanh đã giảm khoảng 10 lần so với lúc còn phà. Buôn bán ế ẩm, nhưng thôi thì được đồng nào xài đồng nấy, chớ giờ biết làm gì đây. Nhà có đứa con gái đang học lớp 10. Tội nghiệp, nó ham học thêm tiếng Anh bên Cần Thơ có thầy giỏi, nhưng 5 giờ chiều đạp xe qua bển về tới nhà đã hơn 10 giờ tối, người mệt phờ nên tui đành cho nghỉ luôn. Nó không dám khóc, nhưng cứ lấy khăn lau nước mắt hoài.

Nói đến đây, chị chợt thở dài rồi tiếp: Tui nghe đâu có xe buýt chạy từ thị xã Vĩnh Long qua Cần Thơ và kêu con nhỏ đi lại bằng phương tiện đó cho đỡ mệt, ai dè nó bảo xe buýt qua lại rất ít và không trùng với giờ học nên cả nhóm bạn nó cũng nghỉ học thêm luôn. Thấy chị rơm rớm nước mắt, tôi vội đứng lên. Mặt trời đã lên cao.

Dạo qua bến xe huyện Bình Minh, tôi thấy một thanh niên vừa dắt xe đạp chở hàng cồng kềnh vừa rao: Bánh mì nóng, nem Lai Vung đây! Giọng anh như chìm vào khoảng không yên tĩnh. Trao tôi chục nem, mặt anh hớn hở: “Từ sớm tới giờ mới có anh mở hàng nem. Bán cả ngày bây giờ chỉ bằng khoảng phần mười ngày có phà chạy trước kia. Nhà em ở ngay trong địa phận bến phà này. Mỗi khi có chuyến phà qua lại em thấy vui dữ lắm, vì bán được hàng. Giờ đây sao thấy buồn và chỉ còn trông có ngày phà lại chạy như hồi nào”.

Tôi dựng xe ngoài cổng rồi bước vào bến xe. Nhiều chiếc xe đò, xe buýt đang xếp hàng chờ khách. Thấy tôi đeo túi xách, một phụ nữ trẻ chạy đến gần:

– Anh đi đâu vậy, lên xe em, sắp tới tài chạy rồi.

Tôi khẽ gật đầu chào rồi hỏi: Chị là chủ xe buýt à?

– Xe buýt nhà em chạy tuyến Bình Minh – Vĩnh Long. Dạo này ế khách lắm anh ơi. Ban quản lý bến kêu em chạy tuyến Cần Thơ – Vĩnh Long, nhưng qua bển mỗi chuyến chỉ đón được chục khách là cùng. Tính các khoản tiền xăng dầu, phí qua cầu, em thấy lỗ chắc nên đành bám tuyến cũ kiếm sống qua ngày. Nghe tin phà sắp chạy trở lại nên em cũng ráng chờ.

Không biết chủ xe buýt này trông chờ đến bao lâu, nhưng niềm hy vọng vẫn là niềm tin cho những người có cảnh ngộ như vậy. Chia tay một số bà con gần bến phà ở đầu phía Bình Minh, lòng tôi càng thầm nhớ những con phà vẫn thường qua lại trên dòng Hậu Giang.

  • Khoảng trống có lấp đầy?

Đã có nhiều ý kiến nên hay không duy trì lại hoạt động của bến phà Cần Thơ. Phà loại nào và chạy giờ nào phù hợp, đơn vị nào đứng ra lo?… Đó là một bài toán không thể giải đơn giản trong lúc này. Làm công trình gì hiện nay, điều đầu tiên ai cũng phải tính đến chuyện phải có lời. Thế nhưng lợi ích của một bộ phận người dân ở hai bên bờ sông Hậu, có nhu cầu qua lại bằng phà đang là nỗi bức xúc, lo toan.

Thời gian qua, có một số tư nhân cho xuồng, ghe chuyên chở hành khách và hàng hóa qua sông Hậu. Nhưng lòng sông thì quá rộng, dòng chảy lại quá mạnh vào mùa bão lũ nên chủ các phương tiện trên đều phải “chùn tay”, vì sinh mạng bao con người còn quý hơn cả bạc tiền. Chỉ có những con phà lầm lũi như hồi nào mới băng mình qua sông một cách an toàn.

Dù sự thể có tiến triển ra sao chăng nữa, lúc này vẫn là khoảng trống vắng đối với bà con nghèo đang sinh sống ở hai bên bến phà hôm xưa.

Đứng nhìn bến phà giờ đây vắng lặng, tôi lại nghe văng vẳng câu hát bên tai: “Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba, em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ”. Câu hát ấy giờ chỉ còn trong ký ức và lắng sâu vào trong tâm trí mỗi ai đã từng đi qua sông Hậu trên những con phà.

Thời gian rồi sẽ đi qua, kỷ niệm về những chuyến phà qua lại trên dòng Hậu Giang cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng. Mai sau, tương lai sẽ làm cho cuộc sống của bao người, tất thảy được đủ đầy hơn. Mọi người đi qua cầu Cần Thơ sẽ thấy lòng mình lâng lâng, chỉ còn man mác nỗi nhớ những con phà...

NGUYỄN VĂN LẠC

Tin cùng chuyên mục