Nỗi niềm rạp hát

Trước đây, toàn thành phố có trên dưới 70 rạp hát, trong đó có khoảng 30 rạp hát vừa chiếu phim vừa biểu diễn nghệ thuật. Hầu như ở các con đường từ những khu cao cấp, khu đông dân cư thuộc trung tâm TP đến các quận huyện đều có từ một rạp đến một cụm rạp với đủ loại hình nghệ thuật như chiếu phim, biểu diễn kịch nghệ, cải lương, tuồng cổ... Với hệ thống rạp đa chiều và giàu hình thức này, khán giả có thể thoải mái lựa chọn loại hình nghệ thuật cho mình để chọn rạp đến xem.

Mặc dù hiện nay TP có nhiều chuỗi cụm rạp chiếu phim sang trọng, hiện đại, liên doanh với nước ngoài, tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, chúng ta không khỏi giật mình khi chứng kiến nhiều rạp hát, rạp chiếu phim bị biến dạng, thậm chí bị biến mất. Rạp Rex đã bỏ từ lâu, rạp Eden giờ chỉ còn là ký ức trong tòa nhà Vincom bề thế; rạp Vĩnh Lợi, rạp Đại Nam “lột xác” thành cao ốc văn phòng, rạp Khải Hoàn thành trung tâm điện máy, và vô số rạp khác đã biến mất hẳn. Hầu như người ta chỉ nghĩ đến các phương án liên doanh để kinh doanh thương mại là chính, còn để đầu tư cho đúng nghĩa là một thiết chế văn hóa dành cho biểu diễn nghệ thuật thì chưa có!

Chúng ta không thiếu những nghệ sĩ giỏi, cả đời cống hiến cho nghệ thuật, được đào tạo bài bản, được vinh danh ở nhiều giải thưởng nghệ thuật trong nước và quốc tế. Tất cả họ khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn tột cùng của họ là được diễn, được đem những tinh hoa, trí tuệ từ vở diễn đến với cộng đồng xã hội. Vậy nhưng thực tế, chỉ một số những sân khấu, rạp hát còn sót lại với không ít biểu hiện xuống cấp để một số rất ít nghệ sĩ đến được với nghề. Phần đông số còn lại diễn ở đâu? Các tụ điểm ca nhạc, các sân khấu phục vụ cho ngành du lịch, tổ chức sự kiện, các phòng trà, quán nhậu… Lẽ dĩ nhiên, đấy không phải là thánh đường nghệ thuật mà họ mong muốn, nhưng là nơi để họ thỏa nỗi nhớ sân khấu, để giữ nghề và để kiếm cơm. Từ đó hình thành nên lớp nghệ sĩ yêu nghề nhưng yếu nghề, quan tâm việc chạy show hơn việc đầu tư rèn luyện cho vai diễn. Điều này một phần lý giải vì sao chúng ta có rất ít nghệ sĩ trẻ thành danh với vai diễn chính thống mà lại có khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với những mảng miếng tấu hài dễ dãi thậm chí dung tục.

Sau nhiều năm mong mỏi, giới mộ điệu cải lương thật thỏa lòng khi TP quyết định đầu tư nâng cấp và xây dựng rạp Hưng Đạo trở thành Nhà hát nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang. Thế nhưng, thật đau lòng khi “công trình trọng điểm của TP” với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, mục tiêu thiết kế “kết hợp truyền thống và hiện đại” này xây xong rồi bỏ đó, không sử dụng được vì quá nhiều hạng mục bất cập, mà buồn cười nhất là sân khấu xây dựng cho nghệ thuật cải lương lại không phù hợp các quy chuẩn của… sân khấu cải lương.

Mà nào chỉ có Nhà hát Trần Hữu Trang của sân khấu cải lương, rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác ở TPHCM đang thiếu điểm diễn: Xiếc lưu lạc “diễn dạo”; sân khấu kịch xã hội hóa eo sèo bữa đực bữa cái, bởi thiếu kịch bản hay, diễn viên lo chạy show vì cuộc sống, lại gặp phải sự thờ ơ của cơ quan quản lý nhà nước; rồi múa rối nước chủ yếu sống nhờ vài show phục vụ du lịch hay vùng sâu vùng xa... Còn “thánh đường nghệ thuật” Nhà hát thành phố cũng sáng đèn, nhưng chủ yếu là để cho thuê tổ chức sự kiện.

Và nay, khi Bộ VH-TT-DL chủ trương “mở cửa” Nhà hát lớn Hà Nội, cho phép các đơn vị thuộc bộ luân phiên tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng, đặc biệt là vào ngày thứ bảy và chủ nhật, là hướng đi mới được dư luận ủng hộ. Với công chúng TPHCM, hơn hết cũng mong Nhà hát thành phố không chỉ có những chương trình biểu diễn ở khu vực trước cửa nhà hát vào cuối tuần như hiện nay, mà nhà hát phải được “mở cửa” đúng nghĩa, đón công chúng vào thưởng thức nghệ thuật đích thực.

Bao giờ chúng ta nhận thức rằng công việc biểu diễn nghệ thuật không đơn thuần là việc để vui chơi hay giải trí? Bao giờ chúng ta hành động đúng nghĩa thiết chế văn hóa là cái cốt lõi, là bộ phận rất quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế, xem “kinh tế là khóa, văn hóa là chìa” trong tiến trình phát triển hội nhập? Bao giờ bộ máy quản lý văn hóa giảm yếu kém, cán bộ quản lý văn hóa có kiến thức và bớt hời hợt, có lẽ khi ấy văn hóa mới thực sự tìm lại được vị trí xứng đáng của mình.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục