Nội yếu hơn ngoại, vì sao?

Phân tích số liệu về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, các chuyên gia Tổng cục Thống kê tỏ ra đặc biệt lo ngại “sức khỏe” của khối doanh nghiệp nội (mặc dù cả cộng đồng doanh nghiệp đều phải đối diện với những khó khăn lớn).

Phân tích số liệu về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, các chuyên gia Tổng cục Thống kê tỏ ra đặc biệt lo ngại “sức khỏe” của khối doanh nghiệp nội (mặc dù cả cộng đồng doanh nghiệp đều phải đối diện với những khó khăn lớn).

Số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước trong tháng 1 giảm tới trên 35% so với cùng kỳ năm trước. Các con số tương ứng của 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng và 6 tháng giảm 6,4%; 10,9%; 11,9%; 7,7% và 8,2%.

Ở chiều ngược lại, từ đầu năm tới nay, tăng trưởng xuất khẩu của khối này chỉ khoảng 4%/tháng; riêng tháng 1-2012 giảm mạnh và tháng 3 chỉ tăng 0,05%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn ở mức 30% - 40%. Sáu tháng đầu năm, khối FDI vẫn xuất siêu trên 830 triệu USD (không tính dầu thô).

Tại một cuộc hội thảo gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may - da giày (trong nước) cho biết họ rơi vào tình cảnh ăn đong với đơn hàng ký theo từng tháng và tổng giá trị chỉ bằng 60% - 70% so với năm 2011. Sự sụt giảm diễn ra ở tất cả các thị trường trọng điểm. Các ngành hàng nông, thủy sản cũng không khá hơn, khi trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng gạo chỉ đạt kim ngạch 1,688 tỷ USD, giảm 9,4% về lượng, nhưng giảm tới 15,3% về giá trị. Đó là chưa kể việc Thái Lan đang mở kho gạo dự trữ để bán cho các nhà nhập khẩu chắc chắn sẽ gây sức ép lên xuất khẩu gạo của Việt Nam. Sức mua của thị trường EU với cá tra - một trong không nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu tỷ đô cũng giảm 15% so với cùng kỳ năm trước...

Rõ ràng hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn kém xa so với các doanh nghiệp FDI. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận định, bên cạnh việc kém thế hơn khối FDI về lợi thế thị trường, tiềm lực tài chính; trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp trong nước cũng tự làm mình yếu đi do chưa thực sự cùng nhau xây dựng một cộng đồng đoàn kết, vững chắc. “Các doanh nghiệp trong cùng một ngành hàng đi hội chợ ở nước ngoài thường mạnh ai nấy ký hợp đồng, giá nào cũng bán, không có sự thống nhất với nhau, khiến hàng Việt Nam bị rớt giá thảm hại. Thậm chí nhiều khi “gà cùng một mẹ” vẫn đá nhau bằng những mánh khóe cạnh tranh không lành mạnh, một doanh nhân cho biết. Ông chính là nạn nhân của việc một doanh nghiệp khác thản nhiên sử dụng hình ảnh những sản phẩm của công ty ông (công ty A) để chào giá với giá thấp hơn (nhưng thực chất là hàng kém chất lượng). Việc làm này chủ yếu nhằm mục đích gây “nhiễu sóng” thông tin đối với khách hàng tiềm năng của A...

Doanh nhân này cho rằng, bên cạnh những khó khăn khách quan như việc thiếu vắng các ngành công nghiệp phụ trợ hiệu quả; bên cạnh những khó khăn trước mắt về vốn, thì tập quán kinh doanh manh mún và tầm nhìn hạn hẹp của các doanh nghiệp nội chính là một trở ngại không nhỏ và các doanh nghiệp nhất định phải điều chỉnh lại nếu muốn cùng nhau đi xa hơn nữa...

ANH THƯ 

Tin cùng chuyên mục