Nông dân cần được “chống lưng”

LÊ TIỀN TUYẾN

Những ngày này nhiều người lưu thông trên đường không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều điểm thanh long đổ đống bên đường dầm dãi nắng mưa bán xá 10.000 đồng 3 - 4kg nhưng tiêu thụ vẫn chậm, rất ít người mua. Không riêng trái thanh long, tình trạng ế thừa nông sản đã diễn ra từ lâu, ngày càng gay gắt. Đầu năm là dưa hấu, rồi hành tỏi, rau củ và hiện nay là trái thanh long, cá tra, hạt gạo…

Theo Bộ NN-PTNT, có tình trạng này là do xuất khẩu giảm. Tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ khoảng 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính nước ta giảm rất mạnh so với cùng kỳ: Cà phê giảm 33,1%, cao su 10,2%, gạo 13,1%. Mặt hàng thủy sản cũng giảm mạnh (17,5%), riêng thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ giảm đến 29,39%. Giá và lượng nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu giảm đã tác động mạnh đến kim ngạch xuất khẩu chung năm nay. Tính đến tháng 8-2015, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 106,3 tỷ USD. Và với diễn biến thị trường như hiện nay, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% cho cả năm 2015 là vấn đề hết sức khó khăn.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực luôn được công luận xã hội quan tâm đặc biệt, bởi lẽ nền tảng nước ta vẫn là nước nông nghiệp, bước đầu đang tiến lên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, số đông người dân vẫn sống ở nông thôn. GS Võ Tòng Xuân nêu nhận xét: Sau 40 năm phát triển, Việt Nam tuy đã đạt được nhiều kỳ tích trong kinh tế nhưng không tương xứng với tiềm năng tài nguyên và con người. Nông nghiệp phát triển đến mức thặng dư về sản lượng nhưng lợi tức mang lại cho nông dân vừa thấp, vừa không ổn định. Điều này đã tạo ra khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng xa. Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu của Quốc hội tổ chức mới đây, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược, Bộ NN-PTNT, nêu một thực tế: Kết quả điều tra kinh tế - xã hội học mới đây cho thấy ở khu vực nông thôn nông dân bất an, lòng dân không ổn do thu nhập thấp và đối mặt với quá nhiều khó khăn. Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ đúng đắn, hiệu quả, nông dân càng bị lép vế trong tiến trình hội nhập, đời sống tiếp tục lao đao.

Việt Nam đang tham gia khoảng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết hội nhập sâu rộng. Vấn đề đặt ra là ta chuẩn bị nội lực như thế nào để hội nhập không bị thua thiệt và tận dụng các cơ hội đang mở ra. Vị thế của nông dân ra sao và chất lượng cuộc sống có được cải thiện? Luật chơi chung của các FTA là mở cửa thị trường nội địa, từng bước loại bỏ hàng rào thuế quan, tiến đến thuế suất bằng 0%. Vì vậy, hàng công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các nước có trình độ phát triển, công nghệ cao hơn ta. FTA cũng yêu cầu thực hiện cạnh tranh công bằng theo luật chơi của thị trường đối với tất cả các thành phần kinh tế, đòi hỏi phải xóa bỏ mọi phân biệt đối xử. Nếu vi phạm các cam kết thì các ưu đãi sẽ mất hiệu lực và còn đối mặt với các vụ kiện tụng quốc tế nghiêm trọng. Nguyên tắc của tự do hóa thị trường là xóa nhòa ranh giới quốc gia, người ta có quyền mua hàng ở nơi có giá thành hàng hóa rẻ nhất đưa vào bán những nơi có lợi về giá nhất để hiện thực hóa lợi nhuận. Vậy nông dân đã được chuẩn bị như thế nào để “bước ra sân chơi toàn cầu”, có đủ khả năng “tiến ra biển lớn”!?

Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu triển khai các cam kết hội nhập nhưng thị trường đã xảy ra các biến động lớn: Không tận dụng được cơ hội hội nhập để nâng cao kim ngạch xuất khẩu, ngược lại thị trường nội địa bắt đầu tràn ngập các mặt hàng giá cả chấp nhận được nhưng chất lượng cao của nước ngoài: gà Mỹ, trái cây và đường cát Thái Lan, bò Úc… Để đón đầu ngày 1-1-2016 nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%, người Thái đã mua lại hệ thống siêu thị Metro, đang bày bán nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm sản xuất từ nước họ. Hệ thống siêu thị Parkson (Malaysia) đang triển khai chiến lược kinh doanh các sản phẩm cùng loại cạnh tranh với hàng Việt Nam…

Tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng, trong khi đó nông dân nước ta vẫn loay hoay với bài toán trồng - chặt và các đoàn thể xã hội cũng không thể mãi đứng ra kêu gọi “tiêu thụ giúp” nông dân trước điệp khúc nông sản được mùa mất giá. Nông dân cần được “chống lưng” một cách căn cơ hơn để tiến tới sản xuất bền vững, có thể sống và làm giàu trên mảnh đất của mình. Muốn vậy, nền nông nghiệp nước ta phải được tái cơ cấu, tạo ra sự thay đổi về căn bản theo hướng sản xuất lớn, nông phẩm có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao. Để làm được việc này, vai trò của chính sách đòn bẩy và sự hỗ trợ các cơ quan Nhà nước là vô cùng quan trọng. Trong sân chơi chung, nông dân không thể đơn độc bươn chải; doanh nghiệp và nông dân phải cộng sinh hình thành chuỗi liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu, chen chân cho được vào chuỗi giá trị quốc tế; tiến tới sản xuất theo tín hiệu và yêu cầu thị trường, bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có…

Hội nhập mở ra sân chơi lớn, đồng thời cũng tạo ra thương tổn lớn. Trong thế giới hiện đại không ai có thể đứng tách biệt một mình, nhưng nếu chưa có sự chuẩn bị kỹ để hội nhập, chưa tạo thế đứng vững chắc cho thị trường trong nước, vươn mạnh ra thị trường nước ngoài; chưa kết nối nông dân - doanh nghiệp cùng bảo vệ, tăng chuỗi giá trị hàng hóa bản địa, sự thua thiệt do hội nhập sẽ còn gay gắt hơn, có nguy cơ dẫn đến phá sản doanh nghiệp, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp ở nông thôn.

Thực tế diễn biến thị trường, giá cả nông sản nước ta vài năm gần đây vận động theo xu hướng ngày càng cạnh tranh khốc liệt và phần thắng - thua đang phân định rõ. Nông dân đối mặt khó khăn cần được “chống lưng” hơn lúc nào hết. Mệnh lệnh thực tế cuộc sống đòi hỏi phải Đổi mới lần 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; bắt đầu tư bài học tiền nhân đã chỉ ra: Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt…


LÊ TIỀN TUYẾN

Tin cùng chuyên mục