Nông dân đặt cược với mùa tết

Vùng ĐBSCL là nơi sản xuất nông sản chủ lực của cả nước, mặc dù nông sản được sản xuất quanh năm nhưng tết vẫn là vụ mùa chủ lực. Nhiều hộ nông dân quan niệm rằng, mỗi năm chỉ có một cái tết cổ truyền nên nhà nào cũng có nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cao hơn ngày bình thường gấp mấy lần, do đó hàng nông sản và những mặt hàng khác sẽ bán rất chạy; vì vậy ai cũng “đặt cược” với mùa tết để hy vọng bán giá cao thu lời nhiều. Song, không phải sản phẩm nào cũng được như mong muốn.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ nông sản dịp Tết Giáp Ngọ 2014 khá lớn, nhờ đó mà nhiều loại tăng giá vùn vụt trong những ngày trước tết. Tại huyện Lai Vung, nơi được xem là “vương quốc quýt hồng” của tỉnh Đồng Tháp chưa bao giờ giá quýt tăng chóng mặt như vừa qua với mức 30.000 - 33.000 đồng/kg. Riêng quýt đẹp giá tới 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao kỷ lục từ trước tới nay. Nhờ giá quýt hồng đắt đỏ mà những nhà vườn bán sớm đã mang về thu nhập tới 1,8 - 2 tỷ đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với những loại cây trồng khác. Trong khi đó những hộ trồng dưa hấu ở Long An, Trà Vinh, Tiền Giang… cũng “trúng đậm” nhờ giá dưa tăng liên tục lên mức 10.000 - 12.000 đồng/kg, thậm chí hơn 15.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với ngày thường.

Cùng niềm vui trên là những nông dân trồng bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang… kháo nhau ăn tết lớn khi giá bưởi nhảy vọt một cách chóng mặt lên mức 32.000 - 36.000 đồng/kg, cao chưa từng có trong nhiều năm qua. UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) cho biết “Lần đầu tiên 350ha hoa kiểng của Sa Đéc với hàng triệu chậu các loại đã được nhà vườn bán hết cho thương lái từ trước Tết Giáp Ngọ khoảng 10 - 15 ngày, với giá cao nên ai cũng lời nhiều”. Nông dân trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) và huyện Châu Thành (Long An) nói vui với nhau “tết này muốn nghèo cũng không biết sao mà nghèo”, bởi giá thanh long ruột trắng dao động 25.000 - 35.000 đồng/kg, còn thanh long ruột đỏ lên tới 60.000 - 70.000 đồng/kg…

Nông sản ở ĐBSCL nhảy vọt là vậy, song vẫn có nhiều hộ thua trắng khi những ngày giáp tết giá cả nhiều loại bỗng đảo chiều, “rớt” thảm hại. Ông Trần Thanh Vũ, ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), buồn hiu: “Khoảng 10 ngày trước Tết Giáp Ngọ thấy giá quýt hồng tăng vùn vụt nên tui không bán mà áp dụng “neo” lại chờ giá tăng thêm. Không ngờ tới ngày 28 và 29 Tết giá quýt sụt liên tục, từ 45.000 đồng/kg xuống còn 22.000 - 25.000 đồng/kg, thậm chí những nơi dội chợ giá rớt còn 20.000 đồng/kg… khiến những ai bán quýt giáp tết bị lỗ trắng mắt”. Dưa hấu tết cũng cùng chung cảnh ngộ, khi ngày 29 và 30 Tết nhiều chợ ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ… giá dưa tuột dốc chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí kêu giá 5.000 đồng/kg vẫn ế. Còn hoa kiểng cũng rớt giá vào những ngày giáp tết. Cụ thể như mai vàng loại cao khoảng 1,2m - 1,4m, trước tết giá 1 - 1,5 triệu đồng/cây thì ngày 30 Tết nhiều thương lái và nhà vườn kêu bán sô chỉ còn 400.000 đồng/cây; tắc kiểng loại cao 1m, giá từ 600.000 đồng/cây, giảm xuống còn 200.000 đồng/cây vào ngày 30 Tết…

Ai cũng biết thị trường tết luôn lên xuống thất thường tùy thuộc vào nhu cầu cũng như số lượng hàng hóa cung ứng. Vì vậy nhiều nông dân tập trung đầu tư sản xuất nông sản bán tết giống như đặt cược với thị trường. Một khi hút hàng thì giá tăng, ngược lại nếu xảy ra tình trạng “dội chợ” thì giá rơi xuống đáy là chuyện hiển nhiên. Và khi đó, người bán phải chấp nhận lỗ vì ngày tết đã cận kề nên không còn cơ hội cứu vãn thị trường. Theo Hội Sinh vật cảnh thành phố Sa Đéc, những năm trước nhà vườn trồng hoa tết chỉ bán một ít cho thương lái, số hoa còn lại dành mang ra bán chợ tết. Tuy nhiên, nhiều năm bị thua lỗ do tâm lý ai cũng dồn sản phẩm bán tết dẫn đến rớt giá do “cung vượt cầu”. Rút kinh nghiệm xương máu trên, Tết Giáp Ngọ này nhiều nhà vườn ở Sa Đéc khi thấy có lời là bán sớm cho an toàn, trong khi thương lái kinh doanh hoa kiểng tết người cười, người khóc?

Theo các nhà chuyên môn, nông dân sản xuất nông sản hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ tết là cần thiết. Song, vấn đề lo ngại là sản xuất loại nào, sản lượng bao nhiêu, chất lượng và giá cả ra sao… thì cần cân nhắc cẩn trọng. Hạn chế cơ bản của sản xuất nông sản tết hiện nay vẫn là nông dân làm theo cảm tính, còn nhu cầu thị trường thế nào thì mù tịt; đặc biệt giữa nông dân với thương lái và doanh nghiệp hầu như chưa có sự liên kết bao tiêu sản phẩm. Điều này cho thấy nông dân luôn phập phồng khi sản xuất nông sản tết vì chuyện thắng - thua không biết đâu mà lường.

Ông Võ Trung Thành, hộ sản xuất bưởi hồ lô nổi tiếng ở Hậu Giang, nhìn nhận, để tránh rủi ro khi “đánh cược” với thị trường tết, nông dân cần phải thay đổi phương thức sản xuất từ những sản phẩm bình thường sang hàng “độc” có thương hiệu. Nếu như nhà vườn trồng bưởi Năm Roi bình thường thì thương lái là người quyết định giá cả. Trong khi bưởi hồ lô là hàng “độc” và có thương hiệu nên trước tết khoảng 2 tháng thì ông Thành đã ký hợp đồng bán hết sản phẩm, với giá do người sản xuất quyết định. Đối với dưa hấu thỏi vàng ở Cần Thơ và kiểng thú độc đáo ở Bến Tre cũng vậy. “Đã đến lúc nông dân cần cái nhìn mới hơn trong sản xuất nông nghiệp, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới, chất lượng, tạo sự khác biệt… Có như vậy sản phẩm mới bán được giá cao và không sợ ế hàng” - ông Thành nói.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục