Trước đó, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần chỉ đạo về vấn đề cả hệ thống phải chuyển động, vào cuộc đồng bộ từ trên xuống dưới để bảo đảm thực hiện tốt xây dựng Chính phủ hành động, quyết liệt, đặt tinh thần phục vụ nhân dân lên trên hết: “Không được để trên nóng mà dưới lạnh”, trên Trung ương thì “nóng” nhưng xuống đến sở ngành, địa phương thì lại nguội, “trên rải thảm dưới rải đinh”. Lần này, có một nét mới được Thủ tướng chỉ đạo không được để “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”. Tức là đã có một sự chuyển động từ phía dưới, còn ở giữa là các cục, vụ… lại chưa “nóng”.
Không thể chấp nhận tình trạng có doanh nghiệp trong 1 tháng phải đón tiếp đến 8 đoàn thanh tra, kiểm tra; doanh nghiệp phải thành lập bộ phận 3 người với quỹ lương 30 triệu đồng/tháng chỉ chuyên đón tiếp, phục vụ yêu cầu về giấy tờ, sổ sách cho các đoàn thanh tra, kiểm tra… “Sức nóng” phải lan tỏa toàn bộ máy, trong đó cấp trung gian là vụ, cục, sở, huyện phải chuyển biến mạnh mẽ hơn thì cả bộ máy mới chuyển biến.
Một số tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay khoảng 6,5%-7,1%. Tuy vậy, tình hình kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như giá dầu có thể tăng cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… nên khả năng tăng trưởng cao vẫn còn khó khăn. Bởi sức cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế trước sự thay đổi của thế giới còn là vấn đề đáng lo ngại. Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, chưa đổi mới, chưa quyết liệt trong công việc. Đó là lý do mà người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, tư lệnh các ngành phải luôn nhận thức rõ ràng trọng trách với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân, thực sự đổi mới, cầu thị, sát việc, sát thực tiễn, sát dân, theo dõi, ứng phó kịp thời với các vấn đề mới, biến động rất nhanh của bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế. Phải sớm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa thì lạnh”.
Thực tế, thời gian qua trên đang rất nóng. Chính phủ đã xử lý quyết liệt nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận quan tâm như vụ MobiFone - AVG, đất đai tại Đà Nẵng, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”, vụ đánh bạc trên internet. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đích thân chủ trì hàng loạt hội nghị toàn quốc để bàn triển khai các vấn đề cụ thể, từ phòng chống thiên tai, tháo gỡ khó khăn đầu tư xây dựng, logistics, đến thúc đẩy xuất khẩu. “Trên nóng” nhưng đòi hỏi giữa và ở dưới cũng phải “nóng” để tạo sự đồng bộ, nếu không mọi nỗ lực điều hành của Chính phủ sẽ chỉ đạt kết quả khiêm tốn. Cả hệ thống vào cuộc sẽ tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh, góp phần củng cố niềm tin thị trường, của nhà đầu tư và nhân dân, giúp cho kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Một trong những động thái tiên quyết để tạo sự “nóng đồng bộ”, đó là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh phải được xác định nhất quán là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Chính phủ đã yêu cầu tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Không được để diễn ra tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan, gây khó cho doanh nghiệp, phải đặt sự hài lòng của người dân lên trên hết trong công tác cải cách hành chính hiện nay. Đem lại lợi ích thiết thực cho người dân với việc ứng dụng công nghệ cao, loại bỏ những thủ tục không cần thiết, làm sao để người dân không phải tiếp xúc qua “cửa quan” khi giải quyết công việc với chính quyền. Chỉ có như vậy mới góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, quyết liệt hành động, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; thực hiện đúng lời Bác Hồ dạy “Cán bộ, công chức là công bộc của dân, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”.
Khi công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước về cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, mong đợi của người dân, tổ chức về việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung trong cả nước tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất). Đó là: mong đợi tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (41,49% số người được hỏi).
Như vậy có thể thấy, người dân, doanh nghiệp vô cùng mong muốn việc giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; mở rộng các hình thức thông tin để nâng cao khả năng của người dân về tiếp cận các dịch vụ hành chính công. Với những mong đợi này, nếu không “nóng” đồng bộ từ trên xuống dưới thì không thể nói đến hiệu quả đồng bộ.