Một nền nông nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại, chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu không chỉ có những nông dân sản xuất giỏi, cần cù mà từ thực tiễn cho thấy, cần phải có và thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn nhảy vào đầu tư. Gần đây chúng ta nhắc nhiều đến khái niệm “doanh nghiệp đầu tàu” để chỉ các nhà đầu tư lớn có tiềm lực về vốn vào nông nghiệp, trên mọi mặt trận từ sản xuất nông - lâm - thủy sản đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ, xuất khẩu... trong vai trò không chỉ là “bà đỡ” cho người nông dân khai phá thị trường mà còn đi tiên phong về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong nông nghiệp.
Nhưng thật sự khó lạc quan khi nhìn con số tỷ lệ doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,13% tổng số doanh nghiệp cả nước (3.875 doanh nghiệp) tính đến tháng 11-2015). Trong khi doanh nghiệp tư nhân không ngừng gia tăng những năm gần đây thì số doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp gần như giậm chân tại chỗ. Trong số đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 95%, còn doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 3,7% và doanh nghiệp quy mô vừa là 1,32%.
Nhiều năm qua, khi ngành nông nghiệp đứng trước tình trạng “đói” vốn cũng như kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật, chúng ta trông đợi nhiều vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Nhưng số liệu vừa công bố giữa tháng 11-2015 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, bất động sản, xây dựng… đều tăng thì lĩnh vực nông nghiệp lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến tháng 10-2015, chỉ có 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông lâm thủy sản với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD, chiếm 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Thậm chí sau 15 năm, đầu tư FDI vào nông nghiệp từ 15% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước đã giảm mạnh xuống chỉ còn chưa đến 0,5% trong 3 năm gần đây.
Từ thực tiễn này, một vài chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thu hút FDI vào nông nghiệp đã thất bại và nên quay về đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp “nội”. Bộ NN-PTNT cũng xác định chính sự “chuyển sân” của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở trong nước sang đầu tư cho nông nghiệp thời gian gần đây đã tạo nên cái nhìn mới và niềm tin cho sự bứt phá cũng như tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam. Nhưng để thu hút được nhiều doanh nghiệp thực sự tiềm lực “nhảy vào” nông nghiệp thì chúng ta cần trả lời được câu hỏi vì sao cả doanh nghiệp FDI lẫn doanh nghiệp trong nước lại không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này? Thực tế, đầu tư nông nghiệp rủi ro cao nhưng cũng trúng lớn, doanh nghiệp biết rõ điều này. Song những rủi ro về thiên tai, dịch bệnh... doanh nghiệp vẫn xử lý được thông qua đầu tư áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, vấn đề mấu chốt cần phải giải quyết chính là cơ chế chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước chưa thực sự hấp dẫn, từ lãi suất ngân hàng còn cao đến các loại thuế, hệ thống giao thông, kho bãi chưa đồng bộ, thủ tục hành chính còn rườm rà, đặc biệt là thủ tục cấp phép và quản lý đầu tư còn bất cập...
Theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đòn bẩy để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chính là Nhà nước có những cơ chế hậu hĩnh về hỗ trợ mặt bằng, thuế đất và hỗ trợ lãi suất vay, cơ chế tín dụng thông thoáng theo hướng ưu tiên cho đầu tư nông nghiệp - nông thôn để doanh nghiệp nhảy vào cuộc. Đành rằng không thể một sớm một chiều, nhưng sự thay đổi chính sách thu hút đầu tư chắc chắn sẽ tạo nên bức tranh mới cho đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Việt Nam đang đứng trước cánh cửa hội nhập vào thị trường chung TPP, khi các mặt hàng nông sản nhập khẩu bằng 0% càng đặt ra yêu cầu cấp bách phải có sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh với nông sản ngoại ngay trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Để có sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh thì tất yếu phải thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, trong đó xác định cú hích chính là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đây là cơ sở để tạo ra sự đột phá về năng suất và chất lượng nông sản, giúp giảm giá thành, đảm bảo có nông sản sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh. Và chỉ có các tập đoàn, doanh nghiệp có tiềm lực về kinh tế mới đủ khả năng làm được điều này.
PHÚC HẬU