Nông nghiệp hàng hóa và ruộng đất tập trung

Từ đầu những năm 2000, nhiều nơi trong cả nước bắt tay triển khai mô hình dồn điền đổi thửa để tạo ra những vùng sản xuất tập trung, thích ứng với thị trường nông sản ngày càng phát triển mạnh, đòi hỏi phải ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ những mô hình manh nha ban đầu, đến nay phong trào dồn điền đổi thửa (gộp ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn) đã được triển khai rộng rãi. Ở nhiều nơi thuộc các tỉnh thuần lúa nước như Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., nông dân cùng với chính quyền đã mạnh dạn dỡ bỏ bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch lại ruộng đồng, hình thành những thửa ruộng lớn, đủ sức xây dựng những trang trại hoa cây cảnh, cây ăn trái, ao đầm nuôi trồng thủy sản hoặc trồng lúa chất lượng cao…

Theo xu thế cơ giới hóa, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn để nước ta tiến kịp các nước phát triển trên thế giới thì việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp và đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới càng trở nên cấp bách.

Trước đây, sản xuất nông nghiệp của nước ta đã tạo bước ngoặt lịch sử khi có Nghị quyết Trung ương 10 (năm 1988) của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là Khoán 10) ra đời, người nông dân được giao ruộng về tận tay, chủ động chăm lo canh tác, đã giúp Việt Nam từ nước nhập khẩu lương thực trở thành quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên đến nay, Khoán 10 đã bộc lộ những hạn chế nhất định khi đất nước bước vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Khảo sát mới đây của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp cho thấy, 100% số hộ nông dân cho rằng ruộng đất manh mún đã gây cản trở cho sản xuất. Còn theo Cục Hợp tác kinh tế và phát triển nông thôn, cả nước có 75 triệu thửa đất chia cho các hộ nông dân sở hữu, bình quân mỗi hộ có tới 6,8 thửa ở các vị trí khác nhau. Ruộng đồng manh mún, nhỏ lẻ như vậy nên không thể hình thành các trang trại, vùng trồng trọt, chăn nuôi lớn được.

Do đó, chủ trương dồn điền đổi thửa được xem là một chương trình lớn để kích hoạt phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, để triển khai tinh thần Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa X về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Chính phủ đang triển khai xây dựng thí điểm các mô hình nông thôn mới trong cả nước. Dồn điền đổi thửa, xây dựng các vùng nông nghiệp chuyên canh, sản xuất nông sản hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường là một trong các mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhưng bài toán đặt ra hiện nay là làm sao để đẩy mạnh phong trào dồn điền đổi thửa gắn với xây dựng các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung. Xem ra, khó khăn nhất vẫn là khâu nhận thức của người nông dân chưa được khơi thông và cơ chế để triển khai thông suốt tại các địa phương. Theo các chuyên gia, để việc dồn điền đổi thửa thực sự hiệu quả thì phải làm cho người dân hiểu về lợi ích của việc dồn điền đổi thửa, khi người dân đã hiểu rồi thì việc dồn điền đổi thửa sẽ dễ dàng. 

Mặt khác, để phong trào triển khai hiệu quả, cần phải có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới địa phương. Các địa phương cần hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về các phương pháp dồn điền đổi thửa. Đồng thời cũng cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa, nhất là cán bộ địa chính ở cơ sở và cân đối nguồn ngân sách để chính quyền cơ sở có mức hỗ trợ kinh phí hợp lý cho nông dân triển khai dồn điền đổi thửa.

Để người dân yên tâm hơn, nhiệt tình tham gia phong trào dồn điền đổi thửa, bên cạnh khuyến khích bà con chủ động “gộp thửa ruộng nhỏ thành thửa ruộng lớn”, cần phải đẩy mạnh tiến độ cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất cho bà con, đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ đất nông nghiệp. Đây là trách nhiệm của Bộ TN-MT và Bộ NN-PTNT.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục