Gia nhập WTO – Những vấn đề đặt ra

Nông nghiệp: Thách thức quá lớn

Nông nghiệp: Thách thức quá lớn

Việt Nam có gần 70% dân số sống nhờ nông nghiệp, 69% lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, khi gia nhập WTO, theo nhận định của nhiều người, nông nghiệp Việt Nam tuy có một số thuận lợi nhưng sẽ đối đầu với nhiều khó khăn. Và điều này sẽ ảnh hưởng không ít đến đời sống nông dân.

  • Thuận lợi không nhiều

Nông nghiệp: Thách thức quá lớn ảnh 1
Nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thu hoạch cá ba sa chế biến xuất khẩu. Ảnh: Th.T.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho rằng, đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp, đem vào công nghệ mới, tiên tiến để thúc đẩy ngành chế biến nông sản, nhờ đó giúp mở mang những vùng đất hoang hóa, sản xuất những sản phẩm nông nghiệp độc đáo mà những công ty này đang có thị trường, đưa hàng nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới nhiều hơn.

Lao động nông nghiệp có thêm công ăn việc làm, người tiêu dùng sẽ mua được những sản phẩm nông nghiệp vừa rẻ vừa tốt hơn. Nông dân nghèo canh tác ở các vùng khó khăn sẽ có cơ may phát triển nhờ có những giống mới do các công ty quốc tế áp dụng công nghệ sinh học tạo ra.

Khi Việt Nam gia nhập WTO, những lợi ích tiềm năng như mở rộng thị trường cho những mặt hàng xuất khẩu truyền thống nông nghiệp và thủy sản, đồng thời chúng ta có cơ hội tiếp cận cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (về lâu dài) giúp tránh được những vụ kiện vô lý như cá tra- cá ba sa giữa Việt Nam và Mỹ. Một khi ngành nông nghiệp đứng vững trên sân chơi WTO thì kinh tế nông nghiệp trở thành động lực chính thúc đẩy công cuộc xóa đói giảm nghèo. Lúc đó, nông nghiệp là chìa khóa tạo ra sự ổn định và phát triển vùng nông thôn. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp có thêm nhiều cơ hội phát triển.

  • Thách thức quá lớn

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Văn Hòa, nông nghiệp là ngành gặp khó khăn nhất khi gia nhập WTO. Việt Nam xuất khẩu nhất nhì thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, điều nhân… nhưng chỉ mới là xuất thô, hàm lượng chất xám trong nông sản xuất khẩu chưa nhiều.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, giá thành cao, sản xuất manh mún là yếu tố khiến ngành nông nghiệp không thể đáp ứng những đơn đặt hàng với số lượng lớn. Các giống cây, con mới nhập vào nước ta bán rất đắt, bà con lại không thể tùy tiện nhân giống vì vấn đề bản quyền là những trở ngại lớn của ngành nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông sản của ta hiện nay giá cao hơn nước ngoài, chất lượng không bảo đảm. Khả năng chuyển từ xuất khẩu thô lên chế biến với thương hiệu riêng để tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp đòi hỏi cả một quá trình.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vang, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn là phân tán, trình độ thấp. Giá thành cao, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hai mặt hàng chiến lược là thịt heo và bò, dù năng suất được cải thiện nhưng so với hệ thống chăn nuôi hiện đại, hiệu quả như Australia, New Zealand, trình độ vẫn còn thấp. Sản phẩm chăn nuôi trong nước còn phải đối mặt với việc trợ cấp của các nước giàu. Một con bò của EU được hưởng trợ cấp 2,62 USD/ ngày.

Khi Việt Nam mở cửa thị trường việc tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tác động đến giá các mặt hàng trong nước. Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, cho rằng việc gia nhập WTO của Việt Nam thời gian tới sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển chăn nuôi. Công ty CP Việt Nam sẽ sắp xếp lại phương thức chăn nuôi và cả lĩnh vực chế biến thực phẩm sao cho phù hợp trước những khó khăn, thách thức này. Nhưng điều đáng lo ngại là những hộ nuôi nhỏ lẻ ở Việt Nam còn chiếm một tỷ lệ khá lớn, sẽ khó cạnh tranh về giá cả nếu như không có những thay đổi căn bản về sản xuất.

Vì vậy, để ngành nông nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, cần phải giải cho được bài toán lao động và vùng chuyên canh quy mô lớn. Ngoài bản thân ngành nông nghiệp, muốn giải quyết vấn đề này đòi hỏi sự hỗ trợ của cả khu vực công nghiệp và dịch vụ. Cần xây dựng chương trình hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để giúp nông dân tăng cường khả năng cạnh tranh.

Theo WTO, không có cách nào hiệu quả bằng những hỗ trợ dài hơi thông qua nghiên cứu và khuyến nông. Ngoài ra, có thể sử dụng nhiều biện pháp xúc tiến thương mại như thông qua các hiệp hội, hỗ trợ nông dân đối phó bất lợi trong thương mại. Trái với dự báo về sự suy sụp ngành nông nghiệp Trung Quốc khi gia nhập WTO, một số ngành nông sản của họ lại tăng mạnh xuất khẩu. Điều này là nhờ Trung Quốc tập trung đầu tư vào nông thôn và nông nghiệp, nhất là về kết cấu hạ tầng, vốn, kỹ thuật, bãi bỏ thuế và giảm phí nhằm tạo ra một nền kinh tế nông nghiệp có sức cạnh tranh mạnh. 

CÔNG PHIÊN 

Tin cùng chuyên mục