Tuần qua, nông sản nước ta liên tục cập nhật tin vui, đã xuất những lô hàng đầu tiên vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực (được hưởng thuế suất 0%), đó là cà phê, chanh leo của Gia Lai; dừa xiêm xanh, bưởi da xanh của Bến Tre và gạo của An Giang.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, hơn 1 tháng qua, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Ước tính sơ bộ, trị giá xuất khẩu nông lâm thủy sản vào EU gần 9 tháng qua tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê Robusta, đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD/năm (chiếm 17,4% về lượng và 9,5% về giá trị xuất khẩu cà phê của thế giới).
Cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu. Về chanh leo, Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, chanh leo là một trong những loại trái cây được thị trường EU rất quan tâm. Ở Việt Nam, hiện chanh leo được trồng rộng rãi tại nhiều tỉnh, chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La,... Trong 5 năm qua, Việt Nam nổi lên như một quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh leo hàng đầu khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sản xuất và nhu cầu gia tăng về chanh leo và các sản phẩm chế biến từ chanh leo trên thế giới, nhất là ở các thị trường cao cấp.
Đối với mặt hàng gạo, hàng năm, EU nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo, kim ngạch khoảng 1,4 tỷ EUR; do vậy, khi thực hiện Hiệp định EVFTA, gạo là mặt hàng có tiềm năng lớn để tăng xuất khẩu vào EU. Hiện nay, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, với cam kết Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Trong khi đó, lần đầu tiên, 20.000 quả dừa tươi Bến Tre được xuất sang thị trường Anh, 12 tấn bưởi da xanh sang Đức.
Để nông sản Việt vào được thị trường EU là nỗ lực rất lớn của nhiều cấp ngành, nhưng vai trò của nhà sản xuất là quan trọng nhất. Thời gian gần đây, trong sản xuất nông sản đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác quy mô tập trung, hiện đại, sản xuất sạch hơn. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho các nông sản Việt vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu mà còn mở ra cơ hội cho nhiều đặc sản khác tiếp cận thị trường.
Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý không phải là giấy phép toàn năng, sản phẩm muốn xuất khẩu được đầu tiên phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được yêu cầu khắt khe của quốc gia nhập khẩu. Tại EU hay các quốc gia khác, các quy định, yêu cầu ngày càng khắt khe, nhất là quy định về các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thực phẩm. Cụ thể, EU yêu cầu các mặt hàng nông sản vào thị trường EU phải đạt 2 loại chứng nhận cơ bản là Global GAP và chứng nhận HACCP. Tiêu chuẩn Global GAP yêu cầu người sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát từ khâu canh tác đến thu hoạch, chế biến. Global GAP cũng đề cập đến các tiêu chí khác như phúc lợi cho người lao động và bảo vệ môi trường… Mặt khác, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều theo cơ chế hậu kiểm. Do đó, khi sản phẩm cập bến EU mới trải qua quá trình kiểm tra; nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy tại chỗ, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí tiêu hủy. Lúc đó, cả người sản xuất lẫn doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nếu không kiểm soát chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất.
Như vậy, để các sản phẩm của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật, vào được thị trường EU và các thị trường khó tính khác, chúng ta cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và cơ quan quản lý địa phương; xây dựng tính cộng đồng để cùng nhau bảo vệ chất lượng sản phẩm, giúp nông sản Việt gia tăng cơ hội xuất khẩu.