
Khác với mọi năm, tình trạng hàng lậu, hàng giả ở khu vực miền Trung ngày càng “nóng” vào những tháng giáp Tết. Ở các cửa khẩu, vùng biên giáp với Lào, có vẻ yên ả hơn nhưng ngược lại ở nội địa tình hình lại hết sức phức tạp. Các lực lượng chức năng ở miền Trung đã phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn…
Hàng lậu nóng từng ngày

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2007, tình trạng vận chuyển hàng lậu từ khu vực sông Sê Pôn qua địa phận huyện Hướng Hóa vào Quảng Trị vẫn diễn ra tinh vi. QL9 dài hơn 80km từ cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, khu kinh tế - thương mại (KT-TM) đặc biệt Lao Bảo đến bản Cát (xã Đakrông, huyện Đakrông), xuôi về thị xã Đông Hà vốn là những điểm “nóng” vận chuyển và cất giấu hàng lậu.
Song, theo ghi nhận của chúng tôi, những điểm này hiện đang giảm nhiệt. Ngược lại, hàng lậu từ Lào “vượt sông” Sê Pôn, rồi tuồn vào 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông bằng con đường tiểu mạch lại đang nóng từng ngày.
Phương tiện vận chuyển hàng lậu là xe khách và xe tải lớn. Dân cửu vạn được trả công hậu hĩnh hơn để vượt chặng đường dài hàng chục cây số, qua các trạm kiểm soát liên ngành và tập kết 2 bên bìa rừng. Đến đây, các chủ hàng mới đưa hàng lên xe khách, xe tải rồi xuôi về thị xã Đông Hà.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, đầu năm 2006 đến nay, qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo và dọc tuyến QL9 qua 2 huyện miền núi (Hướng Hóa, Đakrông) đã xảy ra gần 1.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Riêng các đơn vị biên phòng phối hợp cùng hải quan Quảng Trị đã bắt giữ 550 vụ, trị giá hàng hóa trên 4,4 tỷ đồng.
Hàng giả tràn ngập
Có thể nói, khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo là “điểm tập kết” hàng giả ở khu vực miền Trung và các tỉnh, thành lân cận là những “điểm nóng” tiêu thụ. Thử làm một phép tính, trung bình mỗi ngày, hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu từ khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo được vận chuyển đến các tỉnh, thành miền Trung trị giá hàng trăm triệu đồng cho thấy người tiêu dùng đứng trước nguy cơ hàng không đảm bảo chất lượng là rất lớn, chưa kể vấn nạn hàng giả.
Lãnh đạo Chi cục QLTT Quảng Trị cho biết, chưa khi nào, hàng giả ở đây lại “nóng” như năm 2006. Các mặt hàng bị làm giả, nhái nhãn mác phần lớn tập trung vào rượu ngoại, các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...
Khó khăn ở chỗ, do có sự tiếp tay của các hộ kinh doanh nên các lực lượng chức năng rất khó phát hiện và ngăn chặn hiệu quả. Tại các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, tình trạng hàng nhái, hàng giả cũng rầm rộ không kém. Chi cục QLTT Thừa Thiên - Huế từ đầu năm 2006 đến nay đã bắt giữ và xử lý 138 vụ buôn lậu, 726 vụ gian lận thương mại và 21 vụ hàng giả, tăng hơn 300 vụ so với năm 2005.
Nhiều thủ đoạn lách luật
Từ năm 2005, mỗi khách mua hàng từ 500.000đ trở xuống được lưu thông hợp lệ qua cổng B cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (theo Quyết định số 11/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 74 của Bộ Tài chính) đã có những tác động tích cực đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tại đây.
Tuy nhiên, không ít đối tượng là cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách này để tổ chức buôn lậu và gian lận thương mại. Thông thường, họ đưa hàng về xuôi bằng cách chuyển hàng lậu vào Khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, từ đây thuê cửu vạn đưa hàng nhỏ lẻ (mỗi lô có giá từ 500.000đ trở xuống) qua cổng B. Khó khăn là ở chỗ, quy định cho phép khách mua hàng có giá từ 500.000đ trở xuống qua cổng B nên lực lượng chức năng khó nhận biết hàng lậu.
Một thủ đoạn khác là bọn buôn lậu lợi dụng Quyết định số 11 của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn giảm thuế nhập khẩu vào khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo. Họ dùng hóa đơn mua hàng để quay vòng, nhập hàng từ Lào qua cổng A cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, rồi từ đây thuê người đưa hàng “hợp pháp” qua cổng B….
Thực tế, khi Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 74 của Bộ Tài chính được áp dụng, tình trạng vận chuyển hàng lậu có giảm đôi chút, nhưng sau đó “nóng” trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp.
Một cán bộ hải quan Quảng Trị cho biết, sở dĩ xảy ra tình trạng này là do bọn buôn lậu nắm được “điểm yếu” của người tiêu dùng. Cụ thể, trên thị trường miền Trung, người tiêu dùng gần đây có xu hướng xa lánh các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu từ khu KT-TM đặc biệt Lao Bảo, mà nguyên nhân do chất lượng hàng hóa không đảm bảo.
PHAN HÀ LINH