Đang là những người phụ nữ độc thân bỗng chốc trở thành mẹ của chục đứa trẻ. Những đứa con không phải dứt ruột sinh ra nhưng được các mẹ tại Làng Thiếu niên Thủ Đức (quận Thủ Đức, TPHCM) chăm chút bằng tất cả tình yêu thương ruột thịt.
Những đứa con đặc biệt
Tôi dán mắt chăm chú vào cái kiểu nằm cuộn tròn đặc biệt của thằng bé trước mặt, chân co lên chạm đến ngực, thân hình nghiêng hẳn về một phía. Bất ổn và đơn độc. Chị Dương Thị Yến, một bà mẹ tại làng kể rằng những ngày mới vào đây chị cũng bị ấn tượng với những kiểu ngủ khoanh tròn như vậy của các con. “Không hiểu sao cứ 10 trẻ vào đây thì hết gần phân nửa có kiểu ngủ đặc biệt như vậy. Nhiều khi đang đêm, giật mình tỉnh giấc thấy cháu rón rén đứng cạnh giường. Sau này, hỏi ra mới biết là chúng kiểm tra xem mẹ còn đó không. Có lẽ chúng sợ cô đơn, thèm tình thương của mẹ, thèm chút ấp áp từ mái ấm gia đình”, chị Yến tâm sự.
Lắng nghe chị nói, nhìn khóe mắt cay cay của chị khi kể về lũ trẻ, tôi không còn ý nghĩ phải tìm hiểu tại sao những bà mẹ có thể gắn bó với trung tâm hàng mấy mươi năm, chấp nhận mọi khó khăn để chăm sóc những đứa trẻ không do mình mang nặng đẻ đau.
Đến làng vào buổi chiều, lúc đó chị Yến đang chuẩn bị bữa cơm cho các con. Chị nói: “Hàng ngày, tiền ăn ba bữa của các em chỉ vỏn vẹn 12.000 đồng nhưng các mẹ cố gắng lo cho các con bữa ăn thật tươm tất”. Chị vui vẻ khoe thành viên mới của gia đình - Mỹ Duyên. Cách đây gần một tháng, Duyên được các cô chú công an và hội phụ nữ của phường Bình Thọ (Thủ Đức) đưa vào đây. Ngoài tên tuổi, không ai rõ lai lịch của cô bé như thế nào. Nghe kể 2 năm trước Duyên và cậu em song sinh được mẹ gửi nhờ một người quen nuôi giúp, được vài tháng mẹ bé biệt tăm không thấy tin tức gì, bị người họ hàng hành hạ nên em và em trai được đưa về trung tâm ở tạm để chờ liên lạc với gia đình.
Tại đây, nhiều đứa trẻ không may mắn còn mang thêm nhiều chứng bệnh, tâm thần không ổn định. Các bé mỗi khi lên cơn không làm đau mình thì cũng đập phá đồ đạc, đánh các anh chị, thậm chí tấn công luôn cả mẹ. Nhiều bé không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo nên nỗi lo của các bà mẹ lại càng tăng thêm. Như cậu bé Tuấn Anh, đứa con nhỏ nhất trong gia đình chị Yến vốn mang trong mình căn bệnh thiếu tiểu cầu, mỗi tuần phải đến trung tâm truyền máu. Tuấn Anh lại hiếu động chạy nhảy, nghịch ngợm nên chỉ cần va chạm nhẹ là người thằng bé lại bị những vết bầm tím, vậy là chị lại phải tự mày mò các phương pháp để trị bầm cho con.
Làm mẹ chăm sóc các con khi mới 19 tuổi, đến nay đã hơn 20 năm, nên chị Yến hiểu rõ tâm tính từng đứa con trong gia đình mình. “Bọn trẻ mỗi đứa một tính, quen với cuộc sống tự do, thiếu nền nếp nên thường xuyên phải chỉ bảo, uốn nắn những biểu hiện, suy nghĩ tiêu cực của các con để chúng có thể hòa nhập với mọi người. Bước vào đây, phần lớn các em đều có hoàn cảnh đặc biệt, các mẹ phải kiên trì chỉ dạy những điều đơn giản nhất như việc xưng hô, chào hỏi, điều mà những đứa trẻ đồng trang lứa đã hiểu rõ”, chị Yến chia sẻ.
Chuyện cổ tích
Bước vào làng, mỗi người mẹ là một mảnh đời riêng nhưng vào rồi, chẳng ai muốn ra đi. Có những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của mẹ vì các con không chịu nghe lời, vi phạm nhiều lần. Thế nhưng, chính tình yêu thương đã giúp các mẹ vượt qua tất cả để sống vì các con.
Chị Trần Thị Xế, năm nay ngoài 40 tuổi đã ở vậy nuôi trẻ mồ côi hơn 20 năm qua. Chị là một trong những người công tác lâu năm nhất tại trung tâm. Ai cũng nhớ, hình ảnh chị Xế khóc hết nước mắt, chạy đôn, chạy đáo đi tìm bé T. bỏ nhà đi theo lời rủ rê của đám bạn xấu. Không chỉ chăm lo cái ăn cái mặc của con, điều băn khoăn trăn trở lớn nhất của các bà mẹ tại làng là làm sao các con được nên người, có cuộc sống tốt hơn vì so với trẻ bên ngoài chúng đã chịu quá nhiều thiệt thòi.
Là một trong những bà mẹ trẻ tuổi nghề nhất, chị Phạm Thị Thúy Hiền cũng đã gắn bó với làng gần 20 năm nay. Vốn xuất thân từ làng trẻ SOS Gò Vấp nên chị hiểu được tâm lý và thông cảm với các em nhiều hơn. Năm 27 tuổi, sau nhiều lần đến chơi và chăm sóc các em, chị xin ban giám đốc cho mình được ở lại đây với các con. Hiện tại, niềm vui lớn nhất của chị là 7 đứa con, đứa nào cũng chơi ngoan học giỏi. “Lâu lâu mấy đứa đã có nghề nghiệp, gia đình ổn định lại về thăm mình. Thấy chúng nên người, mình vui lắm, vui hơn nữa là con nó vẫn còn nhớ đến mẹ mà về thăm”, chị kể.
Bao thế hệ các con đã lớn và trưởng thành thì mẹ vẫn ở đó, gắn bó với những đứa con và ngôi nhà thân yêu của mình. Lớp này lớn lên rồi ra đi và những đứa con khác lại đến với mẹ…
| |
Sơn Trà