Nước nổi, về Tràm Chim

1.
Nước nổi, về Tràm Chim

1. Tháng 9, nước tràn. Vườn quốc gia Tràm Chim và hai bên tỉnh lộ 855 chạy từ Thanh Bình lên Tam Nông, Tân Hồng (Đồng Tháp) ngập một màu trắng. Những chiếc xuồng nhỏ nhoi đơn côi thả câu giữa đồng, len lỏi trong đám lục bình, trong ruộng rau muống; tiếng vịt hối hả gọi bầy vang trong cơn mưa… Lại một mùa mưu sinh tất bật trong lũ.

Ở Đồng Tháp Mười, “trên cơm dưới cá”, nức tiếng từ xưa. “Trong mùa cá 1846 – 1847, để được phép khai thác cá, ngư dân ở Sở Hạ và xứ Như Cương (nay thuộc Đồng Tháp) sẵn sàng nộp thuế cho nhà nước 26.130 quan tiền, tương đương với số tiền thuế đánh trên 13.065 mẫu vườn hạng nhứt” (theo Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức).

Trong khi đó, hiện giờ, 60% dân số xung quanh Vườn quốc gia Tràm Chim là nghèo, và 3.374 hộ nghèo đang sống ở các ấp giáp ranh với Vườn quốc gia Tràm Chim (thống kê năm 2008). “Rừng cấm”. Đó là cụm từ mà người dân ở đây ai cũng hiểu, cũng biết. “Biết! nhưng vì mưu sinh ai cũng phải làm”, chị Tư Sinh đẩy một xuồng ngập đầy rau muống nói vậy.

Khi con nước về.

Khi con nước về.

Vườn quốc gia Tràm Chim không có vùng đệm, giáp 5 xã và thị trấn Tràm Chim, Chánh văn phòng Lê Thanh Tâm thông báo. Chính quyền đã phạt và xử rất nhiều vụ vi phạm. Thực tế chế độ bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt nhiều năm qua không hiệu quả như mong muốn, thậm chí dẫn tới mâu thuẫn giữa Vườn quốc gia Tràm Chim và cộng đồng. “Và cũng không ngăn cản được sự xâm nhập vào bên trong để khai thác tài nguyên…”, anh Minh Hải, phụ trách Phòng nghiên cứu khoa học – môi trường (Vườn quốc gia Tràm Chim), nói vậy.

Tràm Chim (Tam Nông - Đồng Tháp) được công nhận là Vườn quốc gia năm 1998, có tổng diện tích trên 7.000ha. Nhiệm vụ của Vườn quốc gia Tràm Chim là bảo tồn đa dạng sinh học vùng đất ngập nước điển hình của vùng Đồng Tháp Mười.

Tràm Chim là nơi sinh sống và kiếm ăn của khoảng 200 loài chim, trong đó 16 loài có ý nghĩa bảo tồn toàn cầu. Loài đặc biệt quý hiếm là sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpie), thường xuyên tới đây kiếm ăn, sinh sống trong mùa khô.

Dự án thí điểm “Sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước Vườn quốc gia Tràm Chim có sự tham gia của cộng động” đã ra đời. Hàng năm, vào mùa nước nổi, sau khi có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt, Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ phối hợp với chính quyền, ban ngành địa phương tổ chức triển khai cụ thể.

Người dân nghèo, gia đình chính sách sống xung quanh sẽ được cùng quản lý và khai thác tài nguyên trong Vườn quốc gia Tràm Chim một cách hợp lý, có giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Dân nghèo được bình xét, chọn hộ theo đúng tiêu chí và được cấp thẻ; thành lập các tổ khai thác, địa điểm khai thác, phương pháp đánh bắt, thời gian đánh bắt và sản lượng được quy định chặt chẽ, phù hợp… Số tiền khai thác tài nguyên được trích lại một phần cho Vườn quốc gia Tràm Chim, số còn lại phần lớn, người khai thác được hưởng...

Sau 2 năm thử nghiệm cùng quản lý tại Vườn quốc gia Tràm Chim (2009 - 2010) đã có 448 hộ nghèo - 12.761 lượt người tham gia khai thác 1.320ha (được quy định), sử dụng tài nguyên; mỗi hộ thu nhập từ 40.000 - 60.000 đồng/ngày (khoảng 1,5 triệu đồng/hộ/tháng).

Người dân đã khai thác được trên 22.000kg thủy sản, 18.000kg ốc bươu đồng, gần 7.000kg rau, hơn 2.000 thước củi, 15ha cỏ… Năm 2010, mực nước rất thấp, nhưng năm nay lũ đẹp, hứa hẹn “một mùa áo cơm” phấn chấn. Hơn 90% dân trong vùng, kể cả những người không tham gia dự án cũng ủng hộ mô hình thí điểm này.

Việc tiếp cận hợp pháp, hợp lý tài nguyên thiên nhiên trong Vườn quốc gia Tràm Chim đã tạo một nguồn thu nhập thiết yếu đối với người nghèo trong mùa lũ, khi không thể canh tác nông nghiệp. Số vụ vi phạm, nhất là số vụ đánh bắt thủy sản bằng xung điện giảm đáng kể (16 vụ năm 2010 so 63 vụ năm trước) minh chứng ý thức làm chủ, bảo vệ rừng, bảo tồn Vườn quốc gia của người dân được nâng cao rõ rệt. “Các nhà khoa học đến rồi đi. Chính mình phải bảo vệ cho mình. Đó mới là cách bảo tồn bền vững”, anh Minh Hải khẳng định.

Cá linh, đặc sản mùa lũ.

Cá linh, đặc sản mùa lũ.

2. Nước, sinh mệnh của rừng, vận mệnh của Đồng Tháp Mười, một trong những vùng đất ngập nước hiếm hoi còn lại ở Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, đồng quản lý dự án của chương trình “Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước lưu vực sông Mê Công (MWBP)” có lần tâm sự với báo chí về kho tàng vô giá này: “Hãy nhìn lại bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Từ hạt cơm, con cá, cọng rau… đều có nguồn gốc từ những vùng đất ngập nước”. Duy nhất nơi đây còn hình bóng của cây lúa ma, giống lúa đã có tên trong bộ gien nguồn quý hiếm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế với diện tích khoảng 200ha.

“Mùa nước nổi, không đâu ăn sang bằng dân Đồng Tháp Mười. 8-9 người lai rai mệt nghỉ toàn đặc sản: cá lóc cả ký lô, cá linh lên liền tay rồi chuột, rắn mập ú… cũng tốn chưa tới 500.000 đồng!”, ông Trần Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ, một xã nằm trong vùng ngập sâu thuộc huyện Thanh Bình, kế cận Tràm Chim, tủm tỉm nói.

Nước cũng quyết định sự sống còn của Vườn quốc gia Tràm Chim. Khô quá dễ cháy rừng (2008 – 2010 đã xảy ra cháy lớn), ngập quá khiến hệ sinh thái suy thoái, thu hẹp diện tích đồng cỏ năn, nguồn thức ăn chính của chim sếu... Vào mùa nước nổi, toàn bộ Tràm Chim bị ngập dưới 2 - 4m nước, các thủy vực như được nối liền với nhau. Khó khăn hơn khi chế độ thủy văn toàn vùng Đồng Tháp Mười đã thay đổi do biến đổi khí hậu, tác động của hệ thống kênh đào rộng khắp dù 5 phân khu trong Vườn quốc gia Tràm Chim đã được bao bọc, điều tiết bởi hệ thống kênh và đê bao qua hệ thống cống, cửa xả…

Hơn 20 năm qua lời giải cho bài toán điều tiết nước vẫn là một thách thức lớn. Các chuyên gia hàng đầu thuộc Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước Mê Công và dự án WWF-Coca Cola lại lao vào cuộc. Và lần đầu tiên, “Bảng tổng hợp các mực nước thí điểm thủy văn giai đoạn 2009 - 2011” đã được gắn trên tường của Phòng nghiên cứu Khoa học - Môi trường Vườn quốc gia Tràm Chim với quy chế và định mức nước theo từng ngày, từng tháng, cho từng phân khu. Chương trình thí điểm này triển khai đã được 3 năm và đang được đề xuất tiếp tục dự án.

“Đợt rồi sếu hội về trên 100 con cho thấy cánh đồng năn cùng hệ thực vật, môi trường sinh thái phát triển khá tốt…”, kỹ sư Minh Hải vui vẻ nói.

Hơn 6.000 lượt khách đã về Vườn quốc gia Tràm Chim tham quan từ đầu năm đến nay. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục