Nuôi chữ cho con trên... rác

12 năm ăn cơm cùng... rác
Nuôi chữ cho con trên... rác

Giữa bãi rác ngồn ngộn, mùi hôi tanh nồng nặc khiến ai không quen có thể bị nôn ọe ngay lập tức. Ấy vậy mà, hàng chục con người vẫn ngồi ăn ngon lành. Hàng ngày, từ tờ mờ sáng đến tối mịt, hơn 200 người mải miết bên bãi rác Khánh Sơn (TP. Đà Nẵng). Với chiếc móc sắt và bộ đồ bảo hộ đơn sơ, họ bới móc thu gom, lượm lặt bất cứ thứ gì có thể bán được, từ những vỏ lon nước ngọt đến từng vỏ bao giấy… Mỗi ngày, bữa cơm của họ qua nhanh trên bãi rác.

12 năm ăn cơm cùng... rác

Nuôi chữ cho con trên... rác ảnh 1

Bữa ăn vội tại bãi rác.
Ảnh: HÀ MINH

Tôi đến bãi rác Khánh Sơn lúc gần đứng bóng, trời xám xịt lại rích rắc mưa khiến cho khung cảnh bãi rác càng ảm đạm. Ngồi trên lớp đá nền mới rải, nghe chị Nguyễn Thị Minh (ở P. Hòa Khánh) kể về “nghề”, nhìn chị cùng mọi người ăn bún mắm thịt quay ngon lành mà tôi thầm phục. 12 năm gắn bó với rác, nước mắt, mồ hôi và cả nụ cười, miếng ăn của chị Minh đều mang hương vị của… rác.

Tôi hỏi mà sợ chị tự ái. “Ngon không chị?”. “Ngon. Riết rồi quen. Ở đây là sạch sẽ đấy, chứ bên bãi cũ, bưng cơm lên mà gặp ruồi là… chuyện thường”- chị Minh tỉnh bơ. “Sao không ăn sáng trước khi lên bãi?”. “Sáng sớm là xe đã lên rồi, phải tranh thủ”. “Mấy giờ ăn trưa, cơm ở đâu?”. Đáp lời, bà Phan Thị Mì, 53 tuổi, chen ngang: “Vô chừng, có thể 1g, 3g chiều… rảnh lúc nào ăn lúc đó”ù. Bà  chỉ tay về vách đá, phía có túp lều nhỏ nghi ngút khói.

12 năm nắng mưa, sương gió, ăn, ngủ cùng bãi rác; có khi gặp phải thuốc nổ, kim chích… nguy hiểm thế, nhưng chị Minh vẫn coi đó là nghề. Cái nghề mà theo chị, chẳng danh giá gì. Chị Trần Thị Hồng, ở P. Hòa Hiệp Nam, phân trần: “Không phải ai cũng thông cảm với nghề nhặt rác. Ai vượt qua được mặc cảm, tự ti thì mới ở lại được với rác. Như chị Minh, bà Mì, đối diện với bao cái nhìn khinh rẻ, nhưng họ vẫn sống, vẫn làm việc. Rác là thứ mà mọi người bỏ đi, nhưng từ rác, các chị đã tìm được đồng tiền từ sức lao động chân chính”. 

Ấp ủ từng con chữ

Đang giải lao, bỗng  có tiếng người la to. “Xe 92 lên. Ai làm 92”? Nhóm người đang ngồi ăn bỏ chén, đũa ào đến xe rác. Chị Trần Thị Hồng cho biết: “Ai chậm chân là hết phần. Cuối năm là mùa “làm ăn” của bọn này đấy”. Trên 200 người, chia thành từng nhóm cùng “quần nhau” với rác. Mỗi nhóm 30 người, có thể nhặt khoảng 4 xe rác/ngày. “Ngó vậy mà cũng được lắm, đêm về là lăn ra ngủ, sáng lại lên bãi rác. Nhiều người trúng mánh nhặt được tiền, vàng thì nghỉ cả tháng vui chơi…”- bà Mì kể.

Vợ chồng chị Minh, mỗi ngày làm rác trung bình kiếm được từ 100.000đ – 150.000đ. Gói ghém cho các khoản chi tiêu hàng ngày, chị dành lo tiền học cho 4 đứa con. Niềm vui lớn nhất của anh chị là con trai lớn 23 tuổi, đang là sinh viên năm thứ 3 ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cô con gái kế đang học Trung cấp kế toán. Cực nhọc và độc hại, nhưng hai vợ chồng chị vẫn lạc quan. “Các con của tôi có được cái chữ cũng là nhờ rác đấy chú ạ. Cực cỡ nào cũng được, chỉ mong sau này chúng không phải đi nhặt rác như cha mẹ chúng”- chị Minh cười thật tươi.

Chị Hồng nói thêm, Tết là dịp gia đình tề tựu, cũng là lúc chúng tôi “tăng tốc” đấy. Ai cũng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm mới vật dụng trong nhà nên rác sẽ nhiều hơn. Ngày thường còn có thời gian nghỉ, những ngày cận Tết, làm không hết việc. Có năm, từ bãi rác về, chị dọn dẹp nhà cửa xong cũng vừa đến giao thừa… Đến với nghề nhặt rác - nghề nghèo khó nhất của xã hội - thế nhưng trong đôi mắt họ, vẫn ngời sáng những ước mơ, vẫn ấp ủ cho con từng con chữ.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục