Chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su tại Tây Nguyên là một chủ trương đúng nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Tuy nhiên, tình trạng chuyển đổi ồ ạt, nóng vội, thiếu quy hoạch và lợi dụng chủ trương chuyển đổi để phá rừng, khai thác lâm sản trái phép đã gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và xã hội.
Phải khẳng định rằng, cao su là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, được ví như là “vàng trắng”, mang về nguồn ngoại tệ cho đất nước. Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, năm 2012, cả nước xuất khẩu 1,02 triệu tấn mủ cao su, trị giá 2,85 tỷ USD. Các doanh nghiệp cao su trong nước cũng tạo việc làm cho nhiều lao động với nguồn thu nhập khá.
Nhưng cũng chính vì giá trị và nguồn lợi do cây cao su mang lại, thời gian qua, nhiều địa phương đã phát triển ồ ạt diện tích cao su nhưng chưa tính kỹ đến tác động về môi trường và xã hội. Tại Tây Nguyên, sau khi có chủ trương trồng mới 100.000ha, nhiều tỉnh đã nóng vội chuyển đổi ồ ạt đất rừng để trồng cao su. Một số địa phương không khảo sát thực tế đất rừng, đến nỗi giao dự án chồng lên đất của dân, đất quốc phòng, giao đất cho doanh nghiệp nhiều hơn quỹ đất thực có, thậm chí giao cho cả các doanh nghiệp… chưa thành lập! Một số địa phương cấp phép trồng cao su bất cứ địa hình nào, dù là trũng nước hay đồi dốc khô cằn.
Cũng từ việc khảo sát “lấy lệ” đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng lập hồ sơ “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo kiệt nhằm khai thác lâm sản công khai núp dưới danh nghĩa “tận thu”. Qua các cung đường Tây Nguyên, nhất là trên quốc lộ 14, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những chuyến xe chở gỗ “tận thu” về xuôi tiêu thụ, trong đó có nhiều loại gỗ quý. Tại Lâm Đồng, kết quả kiểm tra các dự án trồng cao su tại huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Đạ Huoai cho thấy, các doanh nghiệp chỉ chú trọng đến việc khai thác gỗ lớn chứ không tập trung khai thác các loại gỗ tận dụng, gỗ nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức tận thu lâm sản để khai thác gỗ “nhầm” diện tích (ngoài diện tích cho phép) đến hàng chục hécta.
Tình trạng lập dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su nhưng để lấn chiếm rừng, khai thác gỗ cũng xảy ra tương tự tại Gia Lai, Đắk Lắk. Rừng giàu bị chuyển thành rừng nghèo để trồng cao su, trong khi lại đi khoanh nuôi những cánh rừng nghèo - thực tế hết sức phi lý đó đã khiến những cánh rừng xanh Tây Nguyên dần biến mất. Còn nhớ, để biện minh cho việc làm của mình, đã có người từng nói trồng cao su cũng là trồng rừng. Nhưng người ta không hiểu rằng, đối với người dân Tây Nguyên, rừng là không gian thiêng liêng, mỗi tên tuổi của một cây rừng đều có ý nghĩa và gắn bó với đời sống tinh thần của họ và họ không coi những trang trại cây công nghiệp như cao su là rừng. Và liệu rằng, loại cây được trồng thành hàng “rất chỉnh tề” và không tạo thảm thực bì đáng kể này có thể giữ nước cho những dòng sông vào mùa khô, hay đủ sức cản lại những đợt mưa lũ, che chắn cho con người như rừng nguyên sinh?
Phát triển cây cao su mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp cũng là góp phần vào sự phát triển của các địa phương và đất nước. Nhưng không thể vì vậy mà đánh đổi bằng mọi giá, để lại hệ lụy về sau. Nhìn nhận lại hiệu quả và tác động của các dự án cao su tại Tây Nguyên để kịp thời điều chỉnh, tìm hướng đi bền vững là việc cần làm ngay và cũng không còn sớm.
NAM VIÊN