Nút thắt

Đầu năm 2011, tình hình kinh tế của đất nước nói chung và của TPHCM nói riêng diễn biến rất phức tạp: giá nguyên liệu cơ bản đầu vào của sản xuất tăng cao; thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; một số mặt hàng quan trọng của sản xuất như điện, xăng dầu chưa thực hiện đầy đủ theo cơ chế giá thị trường buộc phải điều chỉnh tăng giá; mặt khác, chúng ta phải nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế. Tình hình trên đã làm giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta, gia tăng lạm phát, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn…, tạo ra một nút thắt lớn đối với nền kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Trước tình hình đó, ngày 24-2-2011, Chính phủ đã ra Nghị quyết 11/NQ-CP nhằm thực hiện 6 nhóm giải pháp để tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó hàng đầu là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng.

Sau 3 tháng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt từ trung ương đến các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố lớn như TPHCM, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường ngoại tệ, nhất là thị trường USD – vốn như con ngựa bất kham – đã tương đối ổn định. Đặc biệt là giao dịch ngoại tệ trên thị trường không chính thức (quen gọi là thị trường tự do) giảm hẳn tiêu cực. Người dân và doanh nghiệp có ngoại tệ đã chủ động bán thẳng cho ngân hàng. Chỉ hơn một tháng, hệ thống ngân hàng tại TPHCM đã nắm trong tay hàng chục triệu USD mà trước kia vốn nằm rải rác trong dân và doanh nghiệp. Thị trường vàng sau những biến cố ban đầu đã tương đối êm và tiệm cận với giá vàng thế giới. Thậm chí sau 3 tháng, trong khi giá vàng thế giới tăng đến hơn 1,8 triệu đồng/lượng thì giá vàng trong nước lại giảm 200.000 đồng/lượng. Giá cả thị trường mặc dù còn tăng cao trên nhiều lĩnh vực do tác động dây chuyền, song đang có dấu hiệu chững lại và hình thành một mặt bằng giá mới có thể kiểm soát… Nút thắt lớn nhất của nền kinh tế đang được tháo gỡ.

Tuy nhiên, quá trình ấy lại đang hình thành một số nút thắt khác, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của TPHCM và cả nước. Đó là vấn đề vốn vay và lãi suất ngân hàng. Để huy động vốn, các ngân hàng đã bằng mọi cách lách luật, lách quy định, đẩy lãi suất vay vốn lên cao ngất, tạo nên một cuộc đua lãi suất chưa có điểm dừng. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh – nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - muốn có vốn phải chấp nhận cuộc đua đó, song lợi nhuận cuối cùng có thể sẽ không đủ bù đắp chi phí quá cao mà lãi suất vay vốn là một tác nhân. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp hoặc là phải nâng giá hàng hóa và dịch vụ hoặc chấp nhận thua lỗ, phá sản. Khi giá hàng hóa tiếp tục bị đẩy lên, nền kinh tế lại rơi vào một vòng quay bất ổn mới. Đó là nút thắt tiềm tàng mà để mở nó không hề đơn giản.

Hy vọng rằng trong 7 nhóm giải pháp mà UBND TPHCM đề ra trong cuộc họp hôm qua 17-5, để chỉ đạo và điều hành kinh tế thành phố trong thời gian tới, sẽ góp phần mở những nút thắt còn lại, giải phóng sức sản xuất, kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục