Olympic Bắc Kinh 2008: Các đại gia đua nhau tài trợ

Nhiều kỷ lục trước khi khai mạc
Olympic Bắc Kinh 2008: Các đại gia đua nhau tài trợ
Olympic Bắc Kinh 2008: Các đại gia đua nhau tài trợ ảnh 1

Lễ đếm ngược Olympic Bắc Kinh 2008 đã chính thức khởi động hôm 8-8-2007. Một năm không là thời gian dài đối với ban tổ chức Olympic Trung Quốc cũng như với các doanh nghiệp kinh doanh “ăn theo” Olympic. Tất cả đang dồn sức và tận dụng từng giờ từng phút để hoàn thiện “cỗ máy hốt bạc” nhân mùa thế vận hội.

Nhiều kỷ lục trước khi khai mạc

Bắc Kinh 2008 đã chuẩn bị tất cả để trở thành kỳ Olympic với nhiều kỷ lục mới. Hơn một tỷ người Trung Quốc sẽ chứng kiến thế vận hội, chưa kể khoảng nửa triệu khách nước ngoài và khán giả toàn cầu có thể đến 4 tỷ. Ban tổ chức Bắc Kinh 2008 cam kết đây là kỳ Olympic “tốt nhất chưa từng có, một sự kiện lớn hơn, hoành tráng hơn, được tổ chức chu đáo hơn và đem lại lợi nhuận nhiều hơn bất kỳ Olympic nào”.

Olympic Bắc Kinh 2008: Các đại gia đua nhau tài trợ ảnh 2

Lưu Tường – gương mặt được nhiều hãng “o bế” trong chiến dịch quảng cáo mùa Olympic

Dù chỉ chi 2,6 tỷ USD cho các công trình sân vận động (bằng 1/2 số tiền Hy Lạp bỏ ra trong kỳ Olympic Athens 2004), Chính phủ Trung Quốc lại mạnh tay chi số tiền khổng lồ 200 tỷ USD để tạo một diện mạo gần như hoàn toàn mới cho thủ đô Bắc Kinh, trong đó có nâng cấp hệ thống giao thông và phương tiện liên lạc. Hầu hết nguồn tài chính cho các dự án hạ tầng đều từ các công ty nội địa và nước ngoài.

Theo Daniel Allen viết trên Asia Times, việc tài trợ Bắc Kinh 2008 đã được thiết kế như một chương trình trọn gói hoàn hảo nhất lịch sử Olympic, với chiến dịch quảng cáo sản phẩm cho các nhà tài trợ được thực hiện quy mô và bài bản.

Cuộc đua tài trợ

Cách đây 15 năm, tài trợ thể thao tại Trung Quốc chỉ là dựng tấm bảng với tên công ty đặt ở góc sân. Bây giờ, chiến dịch quảng cáo được thực hiện chuyên nghiệp hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc có thể thấy vận động viên vượt rào đẳng cấp quốc tế Lưu Tường (kỷ lục thế giới 110m vượt rào 12,88 giây) cầm lon Coke, uống sữa Yili, mang giày Nike và sử dụng dịch vụ điện thoại di động của China Mobile... trong loạt quảng cáo đang chiếu khắp Trung Quốc. Coca-Cola là hãng đầu tiên chính thức được sử dụng logo Bắc Kinh 2008. Ngay ngày logo Bắc Kinh 2008 chính thức công bố (3-8-2003), Coca-Cola đã tung ra một triệu lon đặc biệt với thiết kế bao bì mang chủ đề Olympic 2008. Vài công ty như hãng máy tính Trung Quốc Lenovo còn tính xa hơn khi sử dụng 2 tuần tại Olympic mùa đông Turin 2006 để quảng bá hình ảnh.

Theo khảo sát gần đây, 68% người hâm mộ thể thao Trung Quốc có khuynh hướng mua sản phẩm của các công ty tài trợ Olympic hơn so với của các hãng không tài trợ. Do đó, chẳng lạ khi các đại gia sẵn sàng chi bạo để trở thành nhà tài trợ. Giám đốc CVG Anthony Laver tính rằng, 12 tháng trước khi khai mạc Olympic, các nhà tài trợ chính thức chi khoảng 2 tỷ USD cho quảng cáo chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc!

Bằng cách lập một đội thuyền nhỏ tại khu vực Tân Thiên Địa ở Thượng Hải, hãng Nautica đã gây chú ý mà không tốn kém nhiều. Chiến dịch được thực hiện sau khi Nautica ký được hợp đồng tài trợ cho đội thuyền buồm Trung Quốc và như vậy, chắc chắn thương hiệu Nautica sẽ có mặt tại Bắc Kinh 2008 mà chẳng cần tốn chi phí vận động hành lang trở thành nhà tài trợ chính thức.

Cần nhấn mạnh, một thập niên qua, người tiêu dùng Trung Quốc trở nên khó tính và tôn sùng hàng hiệu. Để thành công tại thị trường Trung Quốc, phải tìm cách tiếp cận 100 triệu thanh niên Trung Quốc có đủ tiền “chơi” hàng xịn. Chẳng phải tự nhiên ngôi sao thể thao Lưu Tường – thần tượng “hot” nhất hiện nay của giới trẻ Trung Quốc, sau ngôi sao bóng rổ Diêu Minh – đã được gần 20 hãng mời đóng quảng cáo.

Lê Thảo Chi

Tin cùng chuyên mục