Sau giây phút trào dâng cảm xúc, chính phủ và người dân Pháp phải đối mặt với hàng loạt thách thức về tài chính, kỹ thuật và cả về xã hội, chính trị, cùng với nhiều kỳ vọng về những tấm huy chương, các khoản thu lớn cho kinh tế Pháp.
Cơ hội và kỳ vọng
Ban tổ chức Olympic 2024 của Pháp khẳng định, chi phí dành cho sự kiện thể thao trọng đại này sẽ không vượt quá ngân sách 6,6 tỷ EUR như đã cam kết với IOC, bởi 95% cơ sở hạ tầng đã có sẵn. Paris kỳ vọng Olympic sẽ thu về 10 tỷ EUR, tạo thêm 250.000 việc làm cho người lao động Pháp trong 7 năm tới.
Bên cạnh những kế hoạch đẹp như mơ trên, ban tổ chức còn hướng tới mục tiêu dài hạn, đó là biến ngôi làng Olympic của thành phố Saint-Denis (sát cạnh Paris), có khả năng tiếp đón 15.000 vận động viên, thành nhà ở cho 5.000 hộ gia đình có thu nhập thấp. Đây cũng là cơ hội để dự án mở rộng Paris được xúc tiến nhanh hơn, rút ngắn thời gian cho các công trình xây dựng và trùng tu, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Chính quyền thành phố Paris không che giấu tham vọng rằng, qua Olympic 2024, kinh đô ánh sáng sẽ củng cố vị trí của điểm du lịch số 1 toàn cầu.
Một trong những điểm mạnh trong hồ sơ đăng cai Olympic lần này là Pháp có sáng kiến lôi kéo vùng Seine-Saint-Denis vào cuộc. Thuyết phục được IOC rằng, Paris 2024 còn là cơ hội để ngọn lửa thiêng Olympic đem lại ánh sáng và hy vọng cho 1,6 triệu dân cư trong vùng ngoại ô phía Bắc Paris kém phát triển, đông người nhập cư, tỷ lệ thất nghiệp và tội phạm cao. Patrick Braouezec, nguyên thị trưởng thành phố Saint-Denis, nghị sĩ vùng Seine-Saint-Denis, nhận định Olympic 2024 là một cơ hội để mở mang thêm cơ sở hạ tầng, các phương tiện chuyên chở công cộng cho Sain- Denis, Saint-Ouen. Đây là nơi được chọn để mở làng và bể bơi Olympic. Olympic 2024 là bàn đạp giúp tăng tốc độ phát triển của cả vùng Seine-Saint-Denis. “Lực đẩy sẽ rất mạnh. Vả lại, Olympic Paris sẽ để lại dấu ấn lịch sử cho vùng ngoại ô bình dân này”, ông Patrick Braouezec nói.
Cũng như vậy, cô Roselyne, một cư dân ở Saint-Denis, hào hứng khi nghĩ tới sự kiện thể thao trọng đại sẽ đem lại nhiều hứa hẹn cho thanh thiếu niên trong vùng. Theo cô Roselyne, các công trình xây dựng để chuẩn bị cho Olympic sau này sẽ phục vụ người dân Saint-Denis, khuyến khích những người trẻ chăm đến các sân vận động, hồ bơi. Mọi người sẽ có khuynh hướng chơi thể thao nhiều hơn. Hiện họ không có điều kiện để làm chuyện đó.
Cựu cầu thủ bóng đá Pháp Lilian Thuram lưu ý những cơ sở hạ tầng được nâng cấp hay xây dựng thêm cho Olympic sau này để sẽ được dùng lại, đáp ứng nhu cầu của thanh niên tại vùng Seine-Saint-Denis. Do đó, cơ quan chức năng nên trùng tu những gì đã có sẵn và đó sẽ là di sản của Olympic 2024 để lại cho những người trẻ. Điều này hết sức quan trọng, bởi có nhiều quốc gia sau khi tổ chức xong các sự kiện thể thao tầm cỡ thế giới, các sân vận động, các trung tâm thể thao bị bỏ phế, vô cùng lãng phí.
Giám đốc thương mại Tập đoàn GL Events Remi Leprince xem Olympic Paris 2024 là một chiếc tủ kính tuyệt vời để triển lãm các công nghệ mới của nước Pháp. Theo ông Remi, GL Events có kiểu nhà vệ sinh lưu động thế hệ mới, không bốc mùi mà lại có công dụng lọc các chất thải, bỏ thêm một chút phosphate, chất thải biến thành phân bón. Loại nhà vệ sinh này sử dụng năng lượng mặt trời. Các nhà tổ chức Olympic 2024 chú trọng vào những sản phẩm sạch, dùng năng lượng tái tạo. GL Events hy vọng đáp ứng được đòi hỏi này để có thể cung cấp trang thiết bị cho sự kiện thể thao quan trọng nhất được tổ chức tại Pháp từ rất lâu nay.
Chính phủ và người dân Pháp kỳ vọng vào Olympic 2024
Thực tế
Phó Thị trưởng thành phố Saint-Denis, đặc trách về hồ sơ Olympic 2024 Bally Bagayoko, nhấn mạnh việc Olympics 2024 mở rộng đến khu bình dân vùng Seine-Saint-Denis là một cơ hội vàng để tô điểm lại hình ảnh thường không mấy tốt đẹp của vùng. Chính tại khu đông người nhập cư này đã mọc lên sân vận động Stade de France, một biểu tượng của thế giới thể thao ở Pháp. Seine-Saint-Denis cũng là nơi có những con người của hơn 130 quốc tịch khác nhau chung sống. Với ông Bally Bagayoko, vùng đất này là hình ảnh của một nước Pháp đa chủng tộc, đa văn hóa hướng nhìn ra thế giới.
Tuy nhiên, giấc mơ Olympic không thực sự dễ đạt được. Bên cạnh những kế hoạch lạc quan này, kinh nghiệm của những thành phố đi trước cho thấy, chẳng mấy khi tổ chức Olympic có lời. Từ sau Thế chiến II tới nay, chủ nhà đón Olympic chỉ ôm lấy phần thua lỗ (Thế vận hội Los Angeles năm 1984 là một ngoại lệ). Trung bình, ngân sách ban tổ chức đề ra ban đầu bị vượt quá khoảng 180%. Với Olympic London 2012, ngân sách của thành phố London (Anh) rốt cuộc đã cao gấp 3 lần so với dự tính ban đầu. Olympic Tokyo 2020 theo tính toán ban đầu chỉ tốn 5 tỷ EUR, nhưng gần đây, ban tổ chức Olympic của Nhật Bản thông báo, tối thiểu chi phí sẽ lên tới 13 tỷ EUR.
Nói cách khác, chẳng mấy ai tin rằng Paris sẽ thu mình trong ngân sách 6,6 tỷ EUR. Chỉ nội khoản chi phí bảo đảm an ninh trong bối cảnh đe dọa khủng bố gia tăng cũng đủ để ban tổ chức Olympic 2024 đau đầu. Chẳng hạn với Olympic London 2012, ngân sách về an ninh đã cao gấp 4 lần so với kế hoạch của thành phố. Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020, Chính phủ Nhật cũng vừa tăng dự phóng cho khâu bảo vệ an ninh, từ 400 triệu EUR nhảy vọt lên hơn 3 tỷ EUR. Paris dự trù khoản tiền 186 triệu EUR để bảo đảm an ninh cho 15.000 vận động viên đến từ 260 quốc gia, gần 5.000 vận động viên Para Olympic, 25.000 phóng viên quốc tế và hàng trăm ngàn khán giả tại các sân vận động là điều không tưởng.
Một thách thức lớn khác đặt ra cho Olympic 2024 là tránh để xảy ra kịch bản như tại Olympic Rio 2016 ở Brazil hay ở Olympic mùa đông Sochi 2014 ở Nga, khi mà chỉ sau vài tuần lễ tranh tài, các sân vận động và làng Olympic đều bị bỏ trống. Còn về câu hỏi, liệu rằng tổ chức Olympic tốn kém như thế có thu hút được nhiều hơn du khách, tạo đà cho ngành du lịch, khách sạn, tăng doanh thu cho các hiệu ăn, cửa hàng buôn bán… Hầu hết các công trình nghiên cứu quốc tế đều đưa ra một nhận định chung, hiệu ứng Olympic chẳng mấy khi được lâu bền.