Trong thời điểm châu Âu vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công, thủ đô London (Anh) vẫn rộn ràng cho công tác chuẩn bị một trong những sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh là Thế vận hội mùa hè 2012. Bên cạnh sự hối hả, gấp rút cho ngày khai mạc, Olympic London đang hứng chịu những sự chỉ trích xung quanh những vụ bê bối ở công tác chuẩn bị thế vận hội.
IOC mập mờ
Trong bài viết đăng trên tờ New York Times, nhà báo Jules Boykoff cho rằng, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã có những hành động mập mờ trong khâu tổ chức. IOC luôn đẩy mạnh công tác truyền thông về lực lượng vận động viên các nước tham dự Olympic, công tác chuẩn bị nhưng ủy ban này không thể che giấu việc đưa một số môn thi có lợi thế để giúp nước đăng cai dễ dàng kiếm huy chương vàng. Đây cũng là điều thường thấy trong các kỳ tổ chức đại hội thể thao. Những nước đăng cai thường muốn chiếm ưu thế trong các môn thi. Trong quá khứ, IOC cũng từng “nổi tiếng” với những scandal tai tiếng liên quan đến hối lộ, mua chuộc các đại biểu tham gia các kỳ thế vận hội.
Trong kỳ thế vận hội năm nay, IOC đã có những hành động được miêu tả là thái quá đối với nước chủ nhà Anh. Đứng dưới danh nghĩa quản lý, IOC đã thương mại hóa thế vận hội thể thao để kiếm những khoản lợi kếch sù. Khoảng 250km tuyến đường giao thông đã được tận dụng treo những băng rôn quảng cáo của các nhà tài trợ. Michael R. Payne, một cựu giám đốc tiếp thị cho ủy ban, đã gọi là thế vận hội “thương mại dài nhất thế giới”. IOC cũng quyết định chi một khoản ngân sách để bảo vệ sự an toàn cho những địa điểm diễn ra Olympic. Hàng loạt máy bay trực thăng, máy bay chiến đấu và các đơn vị xử lý bom tại hiện trường đã vào tư thế sẵn sàng. Khoảng 13.500 nhân viên quân sự Anh được điều động về để tuần tra. Việc tăng cường an ninh đang làm nhiều người dân London cảm thấy rất khó chịu vì những hệ thống tên lửa đặt trên mái nhà. Họ phàn nàn liên tục vì cho rằng họ đang trong tầm ngắm của khủng bố. Dù bị chỉ trích là lãng phí trong lúc kinh tế gặp khó khăn nhưng IOC đã vịn vào cái cớ là vụ đặt bom tại Thế vận hội Atlanta 1996 làm chết 1 khán giả và hơn 100 người bị thương luôn là bài học không thể lãng quên.
Và những bê bối khác
Đầu tháng này, IOC tiến hành điều tra cáo buộc về việc các quan chức Olympic và các đại lý đã tuồn ra chợ đen hàng ngàn vé loại A tham dự thế vận hội. Vụ việc vỡ lở sau khi tờ Sunday Times đưa ra nhiều bằng chứng mới liên quan đến các quan chức và đại lý vé ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tờ báo cho biết, hàng ngàn chỗ ngồi tốt nhất của các sự kiện hàng đầu tại Olympic đang được rao bán, thậm chí với giá cao gấp 10 lần giá gốc sau khi chúng được tuồn ra từ các nguồn cung cấp chính thức của các ủy ban Olympic quốc gia ở nước ngoài (NOCs). Các NOCs bị cấm bán lại vé của họ ra nước ngoài hoặc cho bất cứ ai có ý định bán lại chúng. Trong cuộc điều tra kéo dài 2 tháng, các phóng viên Sunday Times bí mật đóng giả nhóm “phe vé” của Trung Đông, phát hiện 27 quan chức và đại lý sẵn sàng làm thương vụ kinh doanh này. Theo tờ báo, những người này, gồm cả đại lý vé chính thức của một nước, đã đưa ra lời chào các vé hạng AA (những vé có chỗ ngồi tốt nhất ở sân vận động) cho nhóm “phe vé đóng giả” với giá cao đến 6.000 bảng/vé (khoảng hơn 9.000 USD/vé). Các cáo buộc mới nhất này được đưa ra sau khi một trong những quan chức hàng đầu của Ukraine phải từ chức vì bị quay phim khi đang rao bán vé tham dự Olympic London 2012 ngoài chợ đen. Hiện nay, ủy ban về đạo đức nghề nghiệp của IOC đang điều tra các cáo buộc này và IOC cũng sẽ xem xét lại cách thức phân phối vé xem Olympic như thế nào giữa các nước thành viên.
Nạn cá độ cũng đang nở rộ tại Anh. Theo IOC, cá cược bất hợp pháp và dàn xếp tỷ số các trận đấu đang trở thành mối đe dọa lớn hơn gấp bội lần so với vấn nạn doping ở Olympic 2012. IOC cũng thừa nhận việc ngăn chặn bán độ dường như bị “vô hiệu hóa” ở Olympic Bắc Kinh 2008 và Olympic mùa đông Vancouver 2010 do cách thức bán độ của các đường dây cá cược bất hợp pháp ngày càng tinh vi và vượt qua khỏi tầm kiểm soát của IOC. Hãng cá cược Betfair tiết lộ sẽ có khoảng 500 triệu USD được các đường dây cá cược bất hợp pháp châu Á đặt cược ở Olympic 2012. Chủ tịch Ủy ban Olympic Anh Lord Moynihan, cho biết: Các đường dây này sẵn sàng trả số tiền lớn cho VĐV ở nhiều quốc gia để bán độ, rồi thu về hàng chục lần thông qua đặt cược trực tuyến. VĐV dễ dàng bị mua chuộc do số tiền hối lộ nhận được có thể giúp họ đổi đời.
Thanh Hằng