Ổn định để phát triển

Hôm qua 21-4, trong phiên họp sơ kết 2 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì cuộc họp, đã ghi nhận những chuyển biến bước đầu tích cực của kinh tế TPHCM. Lần đầu tiên sau nhiều năm, chênh lệch giá USD giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và thị trường tự do đã thu hẹp, từ 1.000 đồng/USD xuống còn 10 đồng/USD.

Cũng thật hiếm hoi sau nhiều năm, người có nhu cầu bán ngoại tệ đã bán thẳng cho ngân hàng và các điểm thu đổi ngoại tệ nhiều hơn mua bán trái phép (mà lâu nay quen gọi là thị trường tự do). Chưa hết, giá vàng trong nước lâu nay vốn là chiếc “hàn thử biểu” của giá vàng thế giới nay bỗng “trật đường ray”. Bởi trong khi giá vàng thế giới 2 tháng qua tăng chóng mặt, đến 2.531.000 đồng/lượng (quy ra tiền Việt Nam) thì giá vàng trong nước lại giảm đến 170.000 đồng/lượng!

Điều đó cho thấy đồng USD và vàng không còn song hành và là yếu tố khuynh đảo thị trường tiền tệ như những năm trước. Trong khi đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất huy động không có biến động lớn sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước là 14%/năm.

Ở một góc độ khác. Sau những biến động của tỷ giá ngoại tệ và của giá cả thị trường thế giới, thị trường Việt Nam đã hình thành một mặt bằng giá mới từ vài tháng nay. Đó là một hệ quả tất yếu khách quan. Song bằng nỗ lực của mình, với chương trình bình ổn giá – ban đầu là những mặt hàng thiết yếu trong những dịp lễ tết, sau lan ra nhiều hàng hóa khác với thời gian cả năm và sự tham gia tự nguyện của nhiều doanh nghiệp – TPHCM đã kéo giảm mức tăng tự phát của giá cả hàng hóa, mà những năm trước vốn như con ngựa bất khám, không thể kiềm chế.

Những kết quả trên cho thấy, chỉ số CPI tháng 4-2011 và những tháng trước đó có làm sốt ruột các nhà thống kê học, nhưng nhìn toàn cục, kinh tế TPHCM vẫn ở mức bình ổn trong sóng gió. Đó là tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới của một thành phố lớn nhất nước.

Tuy nhiên, trước mắt là một chặng đường đầy khó khăn. Các doanh nghiệp sẽ phải gồng mình chống đỡ với sự tăng giá liên tục từ nguyên liệu, nhiên liệu đến các dịch vụ cho sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn ngân hàng vẫn rất nhiêu khê. Người lao động phải toan tính đủ đường trong đời sống sinh hoạt hàng ngày…

Để phát triển mạnh và vượt qua cơn “bão giá”, TPHCM phải rất nỗ lực trong những tháng còn lại, kiên quyết thực hiện các giải pháp đúng đắn đã được kiểm chứng. Trong đó, tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh các hoạt động mua bán thu đổi ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi tiêu ngân sách và mua sắm tài sản công, tăng cường công tác quản lý thị trường và kiểm soát giá cả… là những biện pháp thường xuyên, thiết thực để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Phan Lộc

Tin cùng chuyên mục