(SGGPO).- Ngày 7-9, ông André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ, trong chuyến tháp tùng Tổng thống Cộng hòa Pháp François Hollande, đã đến thăm trường chuyên Lê Hồng Phong và gặp gỡ Ban giám hiệu của trường, với sự hiện diện của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM.
Chuyến thăm Việt Nam của ông André Vallini nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và sâu sắc giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Đây là dịp để chính phủ hai nước khẳng định lại mong muốn duy trì việc giảng dạy tiếng Pháp trong các trường học tại Việt Nam thông qua Tuyên bố hỗ trợ giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam được ký kết vào ngày 5-9 tại Hà Nội.
Ông André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ giao lưu với học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM
Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong bày tỏ mong muốn chính phủ Pháp tích cực hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học tại TPHCM nói chung cũng như tại trường Lê Hồng Phong nói riêng. Bà đề nghị phía Pháp hỗ trợ đổi mới tài liệu giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Pháp cũng như phát triển, đa dạng hóa các chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp bậc đại học tại Việt Nam.
Ông André Vallini, Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển và Pháp ngữ thăm và làm việc tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM
Ông André Vallini cho biết, ông rất quan tâm đến trường Lê Hồng Phong, một ngôi trường danh tiếng và có bề dày lịch sử tại TPHCM. Ông mong muốn dự án cải tạo trùng tu lối kiến trúc kiểu Pháp của trường được thực hiện.
Đồng thời ở cương vị Quốc vụ khanh đặc trách Phát triển và Pháp ngữ, ông đặc biệt mong muốn thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam. Ông cho rằng ngày nay, ngoài tiếng Anh, biết tiếng Pháp là một lợi thế lớn trên thị trường việc làm quốc tếvà mở ra cánh cửa để tìm hiểu các nền văn hóa khác. Ông Vallini và phái đoàn cũng đã ghé thăm các em học sinh lớp 12 chương trình song ngữ của trường.
Tại Việt Nam, chương trình song ngữ đã bắt đầu được triển khai vào năm 1991 và vào năm 1994 tại TPHCM. Cho đến nay, trên cả nước, chương trình được giảng dạy tại 90 trường học với khoảng 13 000 học sinh và 300 giáo viên. |
THÀNH SƠN