
Công tác tại Ban chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu (năm 2000), Đại tá Huỳnh Trí (Hai Trí) tiếp tục tham gia Đội K93 An Giang làm nhiệm vụ truy tập hài cốt liệt sĩ. Đầu tháng 12 này, khi Nhà nước có quyết định phong tặng ông danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, ông vẫn đang ở trên đất Campuchia, tiếp tục công việc tìm kiếm đồng đội…
Nặng lòng một chữ “thương”…

Tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia
Đầu mùa khô năm nay, tôi có dịp trở sang Kompong Speau thăm cán bộ và chiến sĩ Đội K93 An Giang, đã gặp lại ông đang cùng anh em ngày đêm miệt mài chốn rừng sâu núi thẳm. Ánh nắng ban chiều trải dài, màu vàng nhạt ngã xuống dần, rồi khuất sau đỉnh núi Kirirom.
Đoàn xe đưa anh em Đội K93 An Giang đi công tác đã về tới doanh trại, đóng trong khu vườn cây ăn trái của vị tướng Lữ đoàn 21 Campuchia. Doanh trại dã chiến, mọi thứ cũng đều tạm bợ, chỉ trừ ăn uống và nghỉ ngơi phải hết sức nghiêm túc, đảm bảo sức khỏe cho anh em công tác.
Từ sáng đến chiều tối, ông Hai Trí cần mẫn đi thu thập tin tức, xử lý nguồn thông tin do người dân Campuchia cung cấp về địa chỉ mộ; tiến hành phân tích địa hình, địa vật và khảo sát, sau đó mới đề xuất chỉ huy phân công anh em đi đào bới cho đỡ vất vả. Sự có mặt của ông Hai Trí đã động viên tinh thần anh em, quên đi những mệt nhọc, nỗi vất vả nơi chốn núi rừng.
Mọi người nói: “Có ông là cả tập thể Đội K93 An Giang cảm thấy rất yên tâm, vững bụng. Hễ vắng ông một vài ngày, không khí sinh hoạt giống như thiếu tình cảm của anh em ruột thịt, khó tả lắm”. Chính sự thân mật, quyến luyến như thế mà suốt hơn 5 năm qua, người ta thấy ông Hai Trí trên đất Campuchia nhiều hơn ở nhà, gần như không ai nghe đến chuyện “phép tắc” của ông. Khi thì ở Đội K90 Quân khu 9, lúc khác lại qua Đội K93 An Giang. Dù ở bên nào, ông Hai Trí vẫn nhắc nhở anh em làm tốt công tác dân vận, nêu cao phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trong quan hệ, ứng xử với chính quyền sở tại và nhân dân trong các phum, sóc.
Không khí chốn núi rừng Kompong Speau về đêm vắng ngắt, sinh hoạt trong phum cũng rất yên tĩnh. Đong đưa trên chiếc võng, ông Hai Trí kể chuyện lính, chuyện đời từng trải, luôn nhớ về đồng đội trong những năm tháng chiến đấu ác liệt. Ông bùi ngùi nói: “Đúng ra có quyết định, tôi nghỉ luôn, thảnh thơi rồi. Nhưng không thể để các anh em mình ở lại đất khách quê người, thấy thương quá…”.
Nghĩa tình trọn vẹn
Ông kể trong một lần sang Kor Thum (tỉnh Kan Dal) để thu thập tin tức, ông phát hiện và xác định được vị trí đào mộ, nhưng rủi thay lại ngay trong nhà máy xay lúa của một người Hoa. Ông đã kiên trì năn nỉ gần cả tháng trời, cuối cùng cũng khiến gia chủ xúc động và đồng ý cho đào. Kết quả tìm được 2 hài cốt, sau đó ông và anh em phải xây nhà lại như hiện trạng ban đầu, khá vất vả.
Đội trưởng K93 Tư Trung kể rằng hồi chiến tranh ông Hai Trí có tham gia và hiểu biết nhiều, nên về địa hình và địa vật đều trông cậy vào ông, bởi anh em trong Đội K93 không ai rành đường, do mọi người đều thuộc thế hệ sau này. Tất cả cảnh vật, núi rừng giờ đã hoàn toàn thay đổi, khi trở lại chiến trường xưa cũng ít người hình dung ra nổi.
Vậy mà hơn 5 năm qua, tại các tỉnh Ta Keo, Kan Dal, Kampot, Kompong Speau, Koh Kong… đều có dấu chân của “vị đại tá về hưu” đi tìm mộ liệt sĩ, với tư cách là người “cố vấn” cho Đội K90 Quân khu 9 và Đội K93 An Giang. Theo thượng tá Kiều Văn Thành, Trưởng phòng Chính sách BCH.QS tỉnh An Giang, thì ông Hai Trí đã đích thân chỉ dẫn, tìm kiếm hơn 700 hài cốt liệt sĩ, trong đó có nhiều đồng chí hy sinh ven tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia.
Trông dáng ông Hai Trí cao to, dẻo dai, khỏe, ít ai biết rằng năm nay ông 60 tuổi, đã qua 32 tuổi quân, hiện mang thương tật đến 49%. Thế nhưng, ông vẫn cố sức vì đạo lý thiêng liêng “Uống nước nhớ nguồn”, vì nghĩa tình đồng đội, và nhất là vì những người cha người mẹ, người vợ, đứa con, họ hàng thân thuộc đang ngày đêm mong chờ tin tức tìm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh trên đất Campuchia….
Phan Trọng Ân