“Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ chiến đấu với khó khăn chung của nền kinh tế, vì bản thân hay vì đồng tiền của chính họ. Họ chiến đấu cho ý chí, cho tham vọng, cho sĩ diện, cho danh dự nhằm giữ được thương hiệu của mình, tạo ra những sản phẩm Việt Nam chất lượng và sự bình ổn cho nền kinh tế đất nước”. Đó là lời chia sẻ chân thành của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hùng Vương (HVG) nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.
° 9 tháng đầu năm 2012 đã qua và ông nhận xét gì về bức tranh tổng thể của ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam?
- Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu từ năm 2011 mà nặng nhất là ở châu Âu - thị trường XK cá tra chính của VN. Cũng từ tháng 6-2011 lãi suất tăng và cộng với chính sách thắt chặt tín dụng đã gây áp lực cho tất cả DN. Các chi phí đều tăng, nhất là chi phí vận chuyển tăng 70%, điện, vật tư… khiến cho chi phí của DN tăng 40% so với 2010. Lãi vay ngân hàng tăng 70% làm cho giá thành tăng cao trong khi thị trường thì yếu, giá xuất khẩu không tăng, thậm chí giảm, đẩy DN vào thế khó khăn. Từ đó nảy sinh ra vấn đề một số DN phải đóng cửa do mất cân đối. Nhiều DN sản xuất cầm chừng và đây là hiện trạng chung của các DN hoạt động sản xuất nội địa cũng như XK.
Bên cạnh đó, chi phí tăng cộng tỉ lệ lạm phát cao, lãi vay biến động, tỉ giá VN đồng so với USD lại mạnh lên khiến các DN làm XK càng bị ảnh hưởng. (năm 2010 tỉ giá 1USD quy ra trên 21.200 đồng; năm 2011 và 2012 tỉ giá bình quân 1USD đổi 20.800 đồng). Đây là tỉ lệ chuyển đổi gây bất lợi cho những nhà XK làm mất đi sức cạnh tranh so với các mặt hàng cùng loại ở các nước khác có XK.
° Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, để tồn tại, các DN thường chọn lựa phương án co cụm, tối giản các hoạt động SX-KD hoặc cố gắng duy trì thương hiệu và đảm bảo đời sống nhân viên. Ông và HVG đã chọn lựa phương án nào?
- HVG cũng là một DN chế biến XK nên không loại trừ những tác động khó khăn như các DN khác. Nhưng do có sự chuẩn bị từ nhiều năm trước và có quy trình khép kín từ chế biến thức ăn đến nuôi trồng – chế biến – xuất khẩu nên chủ động được chi phí giá thành, đồng thời đảm bảo được sản xuất thường xuyên. Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi trong giai đoạn này là giữ vững được lao động tay nghề, giữ được thị trường, đồng thời đảm bảo được kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh khó khăn chung như vậy, với kế hoạch xây dựng từ nhiều năm trước nên tiêu chí của HVG là “ Chỉ làm những gì mà mình thật sự am hiểu và có thế mạnh”.
Cụ thể là trong hai lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản và nuôi trồng - chế biến thủy sản. Từ đó, trong 9 tháng đầu năm doanh số đạt trên 6.000 tỷ, tương đương 90% kế hoạch, lợi nhuận đạt trên 300 tỷ (60% kế hoạch năm). So với kế hoạch, sản xuất tăng nhưng lợi nhuận giảm do chi phí năm 2012 tăng hơn 30% so với 2011 và khủng hoảng kinh tế châu Âu cũng ảnh hưởng, giá XK so với cùng kỳ năm ngoái bình quân đã giảm 5%.
Năm 2012 cũng là năm sóng gió của HVG. Tuy nhiên, cho đến giờ này chúng tôi đã khẳng định được hai mục tiêu trong kế hoạch 5 năm của Hùng Vương. Thứ nhất là năm 2013 tới, trong lĩnh vực chế biến thức ăn thủy sản và gia súc HVG sẽ hoàn thành mục tiêu 1 triệu tấn/năm. Hiện nay chúng tôi có 4 nhà máy và 16 dây chuyền sản xuất. Năm 2012 chúng tôi dự kiến đạt được trên 500.000 tấn. Mong ước của HVG sẽ là DN hàng đầu của VN trong lĩnh vực chế biến thức ăn, dù tài chính của công ty không thể so sánh như những tập đoàn lớn, nước ngoài nhưng với chuẩn bị căn bản, chiến lược cùng với sự đầu tư hợp lý cho thương hiệu, cơ sở vật chất thì chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được trong năm 2013.
Về mục tiêu chế biến xuất khẩu cá tra năm 2015 sẽ chiếm 20-25% thị phần chế biến xuất khẩu cá tra ở VN. Sẽ có những liên kết và phát triển trong vấn đề nuôi trồng chế biến tôm. Và mục tiêu XK năm 2013 là 400 triệu USD. Nhìn chung trong giai đoạn khó khăn 2012 với doanh số kế hoạch đề ra 6.500 tỷ thì khả năng đạt 8.000 tỷ. Mặc dù doanh số tăng hơn 30%, có thể lợi nhuận không tăng, thậm chí chỉ đạt 90% nhưng có thể nói đây là thành công của Hùng Vương trong vấn đề phát triển thị trường trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
° Ở thời điểm hiện tại, ông có cho rằng những khó khăn, thách thức dành cho DN nói chung và DN kinh doanh thủy sản nói riêng là quá lớn và phải chăng đây cũng là dịp “có một không hai” để tái cấu trúc và sàng lọc nhằm tìm ra những doanh nghiệp thực sự khỏe mạnh, thực sự có nội lực?
Tại thời điểm này các DN chế biến thủy sản đều gặp khó khăn, nhất là các DN ra đời vào thời điểm năm 2008 đến nay. Họ gặp phải những chi phí sản xuất đầu vào cao trong khi chưa chủ động được nguyên liệu để sản xuất, không có thị trường XK. Điều này dẫn đến sự yếu kém về tài chính, cộng với đầu tư quá lớn ban đầu sẽ dẫn đến khó khăn về vấn đề vốn, nhất là năm 2012, những DN này hầu hết đều mất cân đối do chi phí cao cộng với lãi vay.
Điều này đã được cảnh báo ngay từ đầu năm trong cuộc họp với Bộ NN và PTNT tại TPHCM nhưng cho đến nay chưa có một giải pháp hiện hữu nào để tháo gỡ cho DN. Những kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong việc sắp xếp tổ chức lại ngành XK cá tra như việc XK có điều kiện hiện vẫn chưa có sự phản hồi từ phía Bộ NN và PTNT. Không thể có 1 mặt hàng XK cá tra với khoảng 70 DN sản xuất mà có tới trên 300 đầu mối chào bán gây sự mất kiểm soát trong vấn đề giá XK đi đến những việc cạnh tranh giá bán sẽ gây giảm chất lượng, tạo hình ảnh không tốt cho ngành XK cá tra VN.
Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn hiện nay cũng là dịp để đánh giá lại việc quy hoạch đầu tư và phát triển của ngành cá. Thứ nhất là phát triển nuôi trồng phải theo hướng bền vững và có biện pháp. Về sản lượng không để tình trạng đầu tư ào ạt mà không kiểm soát, tránh tình trạng thừa sản lượng gây thiệt hại cho đầu tư, vì sản lượng thừa thì phải bán ra giá rẻ, giá giảm và như vậy lợi nhuận cũng giảm. Đồng thời cũng phải đánh giá lại một số DN yếu kém, có biện pháp chấn chỉnh, hỗ trợ hoặc giải thể bán cho các DN khỏe mạnh đang cần phát triển mở rộng, như vậy mới ổn định và phát triển được thị trường.
° Nhiều năm kinh doanh, ông nhận xét như thế nào về doanh nhân Việt Nam?
Doanh nhân Việt có độ bền và tinh thần dân tộc rất cao. Hiện nay theo tôi biết có những doanh nhân họ chấp nhận chuyện lỗ lã nhằm mục đích duy trì tình trạng sản xuất – kinh doanh trong tình hình kinh tế khó khăn dù chưa nhận được sự quan tâm tốt nhất từ phía nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Họ duy trì SX để duy trì được lực lượng lao động đã đào tạo trong nhiều năm, duy trì uy tín doanh nghiệp và thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Riêng ngành XK thủy sản, đa số doanh nhân trong lĩnh vực này đang, đã và sẽ cố gắng vượt qua thời điểm có thể nói là “tồi tệ” nhất vì họ luôn ý thức được quá trình đầu tư hơn 15 năm qua, từ lúc XK chỉ có 100 triệu USD (năm 2000) mà đến nay đã thu về lượng ngoại tệ 1,8 tỷ USD (năm 2011) cho đất nước.
Nhân Ngày Doanh nhân VN 13-10 tôi cầu chúc tất cả anh, chị doanh nhân Việt rèn được cho mình sức khỏe dẻo dai, sự quả cảm, ý chí, nghị lực mạnh mẽ để vượt qua được khó khăn của khủng hoảng kinh tế nói chung. Đồng thời cũng mong muốn đề nghị nhà nước cần quan tâm hơn nữa đối với các DN trong những lúc khó khăn như thế này. Bởi các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ chiến đấu với khó khăn chung của nền kinh tế vì bản thân hay vì đồng tiền, lợi nhuận. Họ chiến đấu cho tham vọng, cho sĩ diện nhằm giữ được thương hiệu của mình, tạo ra những sản phẩm Việt Nam chất lượng và sự bình ổn cho nền kinh tế đất nước.
Bài, ảnh: Tuyết-Phú-Minh