Năm 2011, lần đầu tiên chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” được tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nhân có thành tích xuất sắc tham gia vào quá trình xây dựng đất nước. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trong số 121 doanh nhân cả nước được tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có một người, đó là ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (ảnh).
Niềm tin
Năm 1989, ông Lê Văn Kháng (thường gọi là Hai Kháng) nhận nhiệm vụ giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) với 2 con số “không”: không vốn và không trụ sở làm việc, còn phương tiện thì chỉ có 6 tàu đánh bắt công suất nhỏ mà trong đó 1 tàu hoạt động cầm chừng, 2 tàu phải sửa chữa lớn và 1 tàu đã hư hỏng hoàn toàn. Với chừng đó “vốn liếng”, để thực hiện được nhiệm vụ khai thác hải sản, vận chuyển hành khách từ đất liền ra Côn Đảo và ngược lại, quả thật không dễ dàng.
Bài toán về nguồn vốn thật khó, khiến cho ông Hai Kháng và tập thể lãnh đạo công ty họp bàn mãi mà vẫn chưa tìm được lối ra. Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, ông Hai Kháng vẫn tự tin rằng ông sẽ làm được, ông sẽ không phụ lòng tin của lãnh đạo huyện. Vậy là ông về bàn bạc với vợ và mạo hiểm thế chấp ngôi nhà của vợ chồng ông để vay vốn ngân hàng. Số tiền vay được đủ để khắc con dấu, thuê mặt bằng làm văn phòng và sửa chữa nhỏ tàu đánh bắt giúp công ty bước đầu đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, nguồn vốn để phát triển đội tàu của công ty vẫn là bài toán khó. Bàn tới bàn lui, từ kinh nghiệm nói trên của bản thân, ông Hai Kháng và tập thể lãnh đạo công ty đưa ra giải pháp huy động vay vốn của người thân, bạn bè và người lao động trong công ty để sửa chữa và đóng mới tàu. Cơ chế ăn chia giữa công ty với người góp vốn là sau mỗi chuyến đánh bắt, lời lãi chia đôi. Nếu vượt mức quy định, tàu đánh bắt được hưởng thêm 10% lợi nhuận...
Giải pháp huy động vốn đã giúp cho Công ty Coimex từng bước vượt qua khó khăn. Hoạt động khai thác có hiệu quả hơn, doanh thu ngày càng tăng và đời sống của người lao động được đảm bảo, giúp họ yên tâm gắn bó với công ty. Sau 10 năm thành lập, đội tàu của công ty từ 6 chiếc đã phát triển lên 26 chiếc với trang thiết bị thông tin liên lạc, ngư lưới cụ hiện đại, có thể đánh bắt dài ngày trên biển.
Chuyển hướng kịp thời
Năm 2000, Coimex lại gặp khó khăn. Hoạt động khai thác hải sản kém hiệu quả do giá xăng dầu tăng cao, trang thiết bị hư cũ trong khi ngư trường đánh bắt ngày càng xa. Trước tình hình đó, ông Hai Kháng đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc công ty một chủ trương có tính đột phá: chuyển hướng sản xuất kinh doanh, từ khai thác hải sản sang chế biến chả cá Surimi theo công nghệ của Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo tìm hiểu của ông, lâu nay, 70% sản lượng khai thác hải sản là cá tạp hiệu quả kinh tế không cao, bà con ngư dân thường chỉ làm khô, làm mắm hoặc bỏ đi. Nếu đầu tư nhà máy chế biến chả cá Surimi thì vừa tận dụng được nguồn cá tạp dồi dào để sản xuất, vừa có mặt hàng xuất khẩu mang ngoại tệ về cho công ty...
Lý thuyết thì như vậy, thế nhưng việc chuyển hướng sản xuất cũng không hề dễ dàng, bởi lẽ với nhiều người trong công ty, đánh bắt hải sản đã là cái nghiệp rồi. Tuy nhiên, dù có những trăn trở, tập thể người lao động vẫn đồng lòng với chủ trương chuyển hướng sản xuất kinh doanh của công ty. Với nhiều người, họ chưa biết rằng phải chuyển hướng sản xuất kinh doanh cho phù hợp với nền kinh tế thị trường, mà chỉ đơn giản là họ tin vào người giám đốc của mình... Anh Võ Văn Nẵng, công nhân Coimex bày tỏ: “Anh Hai Kháng là người lãnh đạo rất sáng suốt. Trong mọi trường hợp khó khăn, anh luôn bình tĩnh vạch ra kế hoạch, đường đi cho công ty để thu được lợi nhuận, để thu nhập và đời sống anh em công nhân cao hơn”.
Cuối năm 2000, Coimex đầu tư 17 tỷ đồng xây dựng dây chuyền chế biến khép kín với máy móc thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vi sinh. Đồng thời, thực hiện các chương trình quản lý chất lượng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản như: ISO, HACCP, Code EU, BRC và HALAL. Coimex tập trung nâng cao hình thức mẫu mã, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài sản phẩm truyền thống như: tôm, càng cua, fischip, bánh bao, khổ qua dồn, viên chiên… còn có hàng loạt sản phẩm mới ra đời từ vụn cá tra, cá basa như xúc xích, miếng lát cá phủ bột xù, chả cá xiên…
Bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, Coimex không những giữ được khách hàng ở các nước châu Á mà còn mở rộng thị trường ở các nước Nga, Mỹ, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ với số lượng đơn đặt hàng ngày càng tăng. Công ty đầu tư hơn 10 tỷ đồng nâng công suất nhà máy chế biến từ 6.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm và xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến hải sản ở tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh, bảo đảm đủ sản lượng cung cấp theo yêu cầu của khách hàng.
Luôn tiến về phía trước
Có thể nói rằng, các mặt hàng chả cá Surimi đã góp phần quan trọng tạo nên thương hiệu Coimex trên thương trường. Sau thành công của Coimex, nhiều doanh nghiệp lao vào chế biến mặt hàng này. Khi có quá nhiều doanh nghiệp cùng tham gia chế biến chả cá Surimi, ông Hai Kháng lại trăn trở tìm hướng đi mới cho công ty. Và ông đã có một quyết định táo bạo: chuyển sang đầu tư chế biến các sản phẩm mô phỏng từ chả cá Surimi.
Coimex liên doanh với khách hàng ở Singapore và Malaysia đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm mô phỏng từ Surimi có sẵn. Hai đối tác này bao tiêu 100% sản phẩm. Qua đó, chả cá Surimi và sản phẩm mô phỏng sau chả cá Surimi trở thành sản phẩm mũi nhọn của Coimex và là thế mạnh của tỉnh BR-VT.
Để đáp ứng công suất của các nhà máy chế biến, nguồn nguyên liệu đầu vào luôn là bài toán khó đối với các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu và Coimex không phải là ngoại lệ. Giải quyết bài toán này, ông Hai Kháng đã làm một việc mà ít ai dám làm, đó là cam kết và thực hiện thu mua toàn bộ sản phẩm của ngư dân, cho ứng trước một phần xăng dầu để họ yên tâm ra khơi đánh bắt, đồng thời xây dựng mạng lưới thu mua từ tỉnh Thanh Hóa trở vào.
Trong sản xuất kinh doanh, ông Hai Kháng luôn tuân thủ phương châm “Khách hàng là ân nhân, chất lượng cao là sự tồn tại”. Coimex luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng khi họ gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, buộc phải ngưng mua hàng, hoặc mua với giá rất thấp để vừa sản xuất, vừa duy trì thị trường. Công ty chủ động điều chỉnh từ chất lượng, quy cách, mẫu mã cho đến giá cả một cách phù hợp, đồng thời hỗ trợ khách hàng bằng cách bán chịu hàng hoá với giá phải chăng để giữ mối quan hệ làm ăn lâu dài.
Nhờ coi trọng chữ tín, Coimex không chỉ làm ăn có lãi mà còn mở thêm một số thị trường mới như Trung Quốc, Nga và Ai Cập. Năm 2009, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 25 triệu USD, năm 2011 tăng lên 42 triệu USD, đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu sang Nga và EU.
Một trong những bí quyết giúp Coimex sản xuất, kinh doanh có hiệu quả là ông Hai Kháng luôn quan tâm đến con người. Vào những thời điểm kinh tế đất nước khó khăn, ông chỉ đạo công ty cắt giảm chi tiêu, chi phí hội họp, tiếp khách…để tăng gần 30% lương cho cán bộ công nhân viên chức, giúp họ yên tâm công tác. Thực tế, không có nhiều doanh nghiệp làm được điều này.
Trách nhiệm xã hội
Không những sản xuất kinh doanh hiệu quả, Coimex còn tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ năm 1989 đến năm 2000, đội tàu Coimex kết hợp với lực lượng biên phòng đã tuần tra, bắt giữ 74 tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển phía Nam của Tổ quốc. Với những chiến công đó, Coimex đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III, Bộ Công an tặng 4 cờ luân lưu về thành tích dẫn đầu phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, UBND tỉnh BR-VT tặng 5 bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ biên giới hải đảo…
Trong những năm qua, Coimex là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong công tác xã hội từ thiện của tỉnh, mỗi năm số tiền đóng góp, hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn ủng hộ gần 800 triệu đồng để xây cầu và đường giao thông nông thôn; ủng hộ 550 triệu đồng cho chương trình Huyền thoại Côn Đảo và xây dựng Đền thờ Côn Đảo; giúp xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xây dựng Trại nuôi tôm, cá giống với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng…
“Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”
Sau 23 năm, từ một doanh nghiệp nhỏ, trang thiết bị cũ kỹ lạc hậu, Coimex đã trở thành một trong những doanh nghiệp dây chuyền chế biến hiện đại, quy mô hoạt động toàn quốc, có thị phần xuất khẩu ở nhiều quốc gia trên thế giới và đứng nhất, nhì cả nước về xuất khẩu chả cá Surimi. Coimex ngày nay đã vượt khỏi tầm địa phương, khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Những thành quả đó, chính là nhờ Tổng Giám đốc Lê Văn Kháng có tâm, có tầm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Ông Trương Bách Thế, phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc Coimex khẳng định: “Ông Lê Văn Kháng là tấm gương mẫu mực cho các đồng chí lãnh đạo, đảng viên cùng toàn thể cán bộ công nhân viên chức trong công ty noi theo. Noi theo về tinh thần đoàn kết nội bộ, cái tâm trong công việc và tinh thần trách nhiệm đối với công việc”.
Hơn 23 năm gắn bó với Coimex, điều quý giá nhất đối với ông Hai Kháng là tập thể CBCNVC luôn tin tưởng ông, lớp trẻ noi theo ông và bạn hàng luôn sẵn sàng chia sẻ nếu Hai Kháng hoặc Coimex gặp khó khăn… Đời doanh nhân, được như thế cũng đã là hạnh phúc.
Hơn 23 năm qua, ông Lê Văn Kháng đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu: Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều huân chương, huy chương và bằng khen của các bộ ngành Trung ương, của UBND tỉnh BR-VT. Năm 2011, ông đạt Top 15 lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc ngành thủy sản Việt Nam, được tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác”. (Theo brt.org.vn)
| |