“Ông Tư Rành hay đấy!”

Thương con đồng đội
“Ông Tư Rành hay đấy!”

Vừa nhấp ngụm trà ông Võ Hồng Lê (Hai Lê), Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, vừa vui vẻ nhận xét về người cựu chiến binh mà chúng tôi sắp đến gặp.

Cuộc gặp này rất tình cờ, nhân một buổi trà dư tửu hậu với các đồng nghiệp thực hiện chương trình quốc phòng toàn dân ở tỉnh Trà Vinh, tôi được nghe họ nói về người cựu chiến binh vượt qua nhiều khó khăn, lặn lội đưa nghề về xây dựng cuộc sống thôn quê. Thế là, tôi vội vàng về khóm 7, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long để gặp anh Nguyễn Văn Rành (Tư Rành).

Hàng tháng, hai cơ sở của anh Tư Rành (trái) sản xuất trên 2.000 chiếc giỏ nhựa các loại ra thị trường trong và ngoài nước.

Hàng tháng, hai cơ sở của anh Tư Rành (trái) sản xuất trên 2.000 chiếc giỏ nhựa các loại ra thị trường trong và ngoài nước.

Thương con đồng đội

Căn nhà của anh Tư Rành nằm lọt thỏm trong không gian tĩnh lặng của một miền quê yên ả. Nhưng có một nét khác biệt với những ngôi nhà ở thôn quê là ngày nào cũng vậy, nhà anh luôn rộn vang tiếng chuyện trò. Thấy có khách đến, một người đàn ông với dáng người cao, mảnh, trong trang phục cựu chiến binh nhanh nhẹn đứng dậy, từ trong nhà bước ra đón khách.

Cơ sở sản xuất của anh Tư Rành chỉ rộng khoảng 30m², bên trong gần chục người ngồi bên những chiếc quạt máy, bàn tay thoăn thoắt cầm từng sợi nhựa đan giỏ. Xung quanh, những chiếc giỏ thành phẩm, đủ kích thước, mẫu mã được xếp đặt ngay ngắn. Vừa cầm giỏ, anh Tư vừa giới thiệu: Một người thợ giỏi đan một ngày được hơn chục cái, công 4.500 đồng/cái. Vị chi họ cũng có gần 50.000 đồng/ngày.

Anh Hai Lê cho biết thêm: “Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông. Những lúc nông nhàn, bà con thường bôn ba khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Cơ sở sản xuất của anh Tư đã phần nào giúp cho khoảng 40 lao động thường xuyên có thu nhập trung bình một triệu đồng/tháng”.

Chúng tôi đang trò chuyện thì một phụ nữ mang theo cả trăm chiếc giỏ thành phẩm bước vào lễ phép chào hỏi rồi nói với anh Tư: “Con mang giỏ sang cho ba, số còn lại chiều con thu rồi giao nốt”. Anh Tư vui vẻ giới thiệu: “Con nuôi đấy, nó cũng là người tạo cho tôi ý tưởng đưa nghề về đây”.

Chuyện là, cách đây hơn 10 năm, nhân chuyến đi họp ở huyện, anh Tư gặp cô Đoàn Thị Bưng, hỏi ra thì là con của người bạn cùng quê, cùng sống, chiến đấu chung trong quân ngũ. Nhưng trong một trận đánh người đồng chí đó đã hy sinh. Lúc đó, cuộc sống của cô rất vất vả, ở đậu, làm thuê để kiếm tiền nuôi hai con. Chồng làm nghề phụ xe, đi suốt. “Tôi nhận làm con nuôi. Tuy vậy, cũng chỉ giúp được bữa cơm, bữa cháo và thêm chút đỉnh cho hai đứa trẻ ăn, học. Rồi trong thời gian công tác tại Hội Cựu chiến binh thị trấn, tôi cũng gặp rất nhiều gia đình đồng chí, đồng đội có cuộc sống bấp bênh. Chính vì thế, ý tưởng đi tìm nghề - tìm cần câu - giúp mọi người hình thành trong tôi”, anh Tư hồi tưởng.

Mang nghề về khóm

Từ đó, cứ có thời gian rảnh, anh Tư lại một thân, một mình đi tìm và học những nghề tiểu thủ công. Năm 2000, anh bắt đầu mở cơ sở dệt thảm bằng cỏ lác, rồi đến đan giỏ lục bình. Vừa nhận thợ (ưu tiên cho con em cựu chiến binh nghèo), vừa truyền thụ nghề để cho họ có thêm thu nhập. Thế nhưng, do giá nguyên liệu lúc lên lúc xuống nên thu nhập của mọi người cũng không cao. Nghe ở xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, có người cựu chiến binh thành lập doanh nghiệp đan giỏ nhựa xuất khẩu. Anh Tư liền đến liên lạc và được sự giúp đỡ của anh Chất, cựu chiến binh, chủ doanh nghiệp Văn Chất, anh đã chuyển sang sản xuất giỏ nhựa xuất khẩu. Tất cả nguyên liệu do doanh nghiệp cung cấp và người thợ sẽ ăn lương theo sản phẩm. Từ đây, công việc và thu nhập của người dân trở nên ổn định.

Năm 2006, Trung tâm Dạy nghề huyện Càng Long mở một lớp đào tạo miễn phí nghề đan giỏ nhựa cho 30 người. Cơ sở của anh cũng có thêm điều kiện mở rộng và anh mở thêm một cơ sở bên khóm 6 để thuận tiện cho người dân khi đến nhận và làm nghề. Hàng tháng, hai cơ sở sản xuất trên 2.000 chiếc giỏ nhựa các loại ra thị trường trong và ngoài nước.

Anh cũng đang dự kiến mở thêm một vài cơ sở sản xuất nữa, vì nguồn nguyên liệu và số lượng sản phẩm cơ sở của anh luôn được ưu tiên, sức sản xuất đến đâu thì làm đến đó, nhưng phải giữ chữ tín, giao sản phẩm đúng thời gian, và để tạo thêm công ăn việc làm cho bà con lối xóm, phần nào giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống…

Dạo một vòng quanh nhà, tôi thấy vườn tược cây trái được anh chăm sóc cẩn thận. Hiện tại, anh Tư chỉ còn 5 công vườn, số còn lại anh đã chia cho các em sau khi họ lập gia đình… Cách đây mấy năm, cũng trên mảnh đất này, anh cũng nuôi cả ngàn con gà. Đàn gà của anh một năm cho thu lợi nhuận hàng chục triệu đồng, nếu tính lãi thì còn hơn cả làm chục công ruộng, mà công việc thì nhẹ nhàng hơn nhiều. Nhưng sau đó, khi có dịch cúm gà, anh không nuôi nữa, “bởi vì mình là người đi tuyên truyền vận động bà con, nếu mình lại không là người đi đầu, không thực hiện các chủ trương chính sách của đảng và nhà nước thì bà con lối xóm ai còn tin vào mình nữa”, anh trải lòng.

Hiện nay, anh tranh thủ trồng thêm giống vú sữa Lò Rèn, mùa vừa rồi một cây cho thu hoạch khoảng ba triệu đồng… Trong tàn lá, từng quả vú sữa non xanh biếc hứa hẹn một mùa bội thu cho người chịu khó vun trồng. Anh bạn đi cùng tôi buột miệng nói: “Loại này chắc ngọt lắm nhỉ? Giống chủ nó vậy”. Cả đoàn người cùng cười vang, nụ cười sảng khoái khi gặp được những trái ngọt của cuộc đời.

“Cuộc đời anh Tư cũng nhiều sóng gió. Cái quý nhất của người cựu chiến binh là tình người. Năm 1970, theo gương gia đình, ông nhập ngũ. Nhưng chỉ trong ba năm, chiến tranh đã cướp đi ba người thân yêu nhất. Đó là người anh Hai, làm tài vụ tỉnh đội hy sinh năm 1970, người cha làm bên hậu cần tỉnh đội hy sinh năm 1971 trong trận chiến chống càn với quân địch; đến năm 1972, mẹ anh cũng hy sinh trong một trận gài mìn cùng Anh hùng LLVT Hồ Thị Nhâm. Khi nước nhà độc lập, ông Tư đành gác ước nguyện của đời trai trên con đường binh nghiệp để trở về thay cha, mẹ nuôi 3 em (2 trai, 1 gái) còn nhỏ dại.

Qua bao nhiêu năm tháng, mồ hôi của người cựu chiến binh đã góp phần nuôi dưỡng những màu xanh cây trái trên 20 công đất của cha, mẹ để lại cũng từ đó, 3 người em được ăn học đàng hoàng. Hồi trước, ổng còn phải bán đi 5 công để lấy tiền cho các em học đại học…”, ông Võ Hồng Lê, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, cho biết.

Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục