Theo kế hoạch, ngày 18-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Dù là luật chuyên ngành nhưng dự luật này được dư luận rất quan tâm ngay từ khi Bộ GD-ĐT đào tạo công bố bản dự thảo lần 1 bởi kỳ vọng về một sự chuyển biến trong lĩnh vực GDĐH ở Việt Nam vốn có nhiều vấn đề tồn tại. PV Báo SGGP phỏng vấn PGS Văn Như Cương (ảnh) xung quanh nội dung này.
- Phóng viên: Vừa qua Bộ GD-ĐT có vẻ “rắn” trong việc đình chỉ nhiều ngành, trường đào tạo ĐH. Ông có bình luận gì?
- PGS VĂN NHƯ CƯƠNG: Việc Bộ GD-ĐT mạnh tay xử lý các trường ĐH kém chất lượng thời gian qua rất đúng. Anh quản lý là ở chỗ đó. Nếu trường nào không đủ năng lực bộ phải cho trường đó nghỉ. Ở các nước họ mạnh dạn đình chỉ trường, còn ta chủ yếu đình chỉ ngành đào tạo, đình chỉ trường vẫn là cá biệt. Ở các nước, những trường ĐH, trung học kém chất lượng (ví dụ tỷ lệ tốt nghiệp chỉ 20%) đều bị đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, động thái vừa qua cho thấy đó là điểm mới trong cách quản lý của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trường bị đình chỉ hầu hết là dân lập, mới thành lập, rất khó khăn về mọi thứ. Đó là cái khó của trường dân lập, nhất là những trường mới thành lập. Cứng rắn là đúng nhưng ngành giáo dục cần chia sẻ khó khăn với họ, ít nhất phải cho họ 2 - 3 năm để ổn định. Ví dụ về tài chính thì ưu tiên không đánh thuế trong mấy năm đầu chẳng hạn. Các trường khi không có thí sinh theo học cũng đã phải tính.
- Việc xếp hạng trường ĐH sau khi Luật GDĐH ra đời, theo ông có làm được ngay?
- Xếp hạng ĐH có thể làm ngay, còn phân tầng ĐH thì phải lâu dài. Vấn đề quan trọng của xếp hạng là tiêu chí. Trong bối cảnh hiện nay, có thể chưa xếp hạng toàn bộ các trường nhưng có thể xếp hạng từng tiêu chí. Ví dụ gần đây với trường THPT, Bộ GD-ĐT xếp hạng 200 trường THPT có điểm thi ĐH cao nhất, đó là một tiêu chí; hoặc có thể xếp hạng tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh giỏi. Kết quả xếp hạng phải công khai.
Những tiêu chí xếp hạng ĐH phải bàn hết sức cẩn thận, rút kinh nghiệm xếp hạng ở các trường trung học hiện nay. Nếu xếp hạng được rất tốt, sẽ tạo môi trường cạnh tranh tốt cho các trường. Nếu xếp hạng chuẩn thì các trường cũng có thể căn cứ vào thứ bậc xếp hạng để thu học phí tương xứng. Còn đối với người học thì quá có lợi, vì họ biết và lựa chọn trường phù hợp với khả năng của mình.
- Xếp hạng ĐH nên theo tiêu chí nào?
- Tôi cho là nên dựa trên chất lượng đào tạo của trường. Bài giảng của thầy, số GS, PGS-TS của trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp… trong đó chất lượng của đội ngũ rất quan trọng; các điều kiện phục vụ sinh viên học tập như máy tính, thư viện; đầu ra, sản phẩm của trường được sử dụng nhiều hay ít. Muốn thế các nội dung này phải được thống kê, phải biết được bao nhiêu sinh viên ra trường có việc làm… Đây cũng là điều xã hội đòi hỏi từ lâu nhưng ngành giáo dục chưa làm được. ĐH hiện nay mới chỉ quản đầu vào, còn đầu ra bỏ mặc.
- Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm là một tiêu chí rất quan trọng để xếp hạng ĐH nhưng không dễ thống kê? Ai sẽ đứng ra thống kê?
- Ai đứng ra điều tra cũng là điều đáng bàn và không hề dễ. Nếu giao cho các trường ĐH điều tra chưa chắc khách quan, mà từ trước tới nay cũng ít trường làm được. Còn giao cho bộ thì phải tính đến sự khả thi. Từ trước đến nay, ngay việc điều tra xem những học sinh chuyên toán ra trường đi đâu, làm gì để quyết định có tiếp tục mở chuyên toán không mà mãi chúng ta có làm nổi đâu. Hay điều tra những học sinh thi Olympic Toán quốc tế đi đâu về đâu, bao nhiêu em thành GS, PGS mà mãi cũng chưa làm được. Lẽ ra Bộ GD-ĐT phải làm được điều này. Cõ lẽ giao cho trường ĐH khả thi hơn, như ĐH FPT hiện nay họ làm rất tốt. Các trường nếu quyết tâm vẫn sẽ làm được, không đến nỗi khó.
- Học phí ĐH có nên theo bảng xếp hạng của các trường?
- Không cần. Thu học phí cứ để cho họ tự do, nếu chất lượng thấp mà thu phí cao thì càng chết sớm. Trường phải tự điều chỉnh học phí, không cần quy định theo thứ bậc.
- Dư luận cho rằng Luật GDĐH ra đời có thể sẽ tạo đột phá về chất lượng GDĐH Việt Nam thời gian tới, PGS có hy vọng?
- Dĩ nhiên là tôi hy vọng như vậy. Nhưng tôi cũng lo là không biết sắp tới Chính phủ có hạn chế việc thành lập các trường ĐH hay không, nhất là ĐH công. Theo quy luật, càng mở nhiều thì chất lượng sẽ thấp đi, vì thầy giáo không đủ, điều kiện không đủ. Đã từng rộ lên việc nâng cấp trường cao đẳng thành ĐH mà ở các tỉnh chủ yếu là cao đẳng sư phạm, nên từ cao đẳng chuyên ngành lên thành ĐH đa ngành thì không thể bảo đảm chất lượng. Cần tạm dừng thành lập các trường ĐH và tập trung củng cố hệ thống đã có nhằm bảo đảm chất lượng. Nếu không sẽ đúng như xã hội lo ngại: ĐH là trường cấp 4, thậm chí là “cấp ba rưỡi”, bởi tình trạng chung hiện nay vẫn là “cơm chấm cơm”, ĐH dạy ĐH.
- Nhưng quy mô ĐH hiện nay vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người học?
- Chưa đáp ứng đủ là đúng rồi, vì người học ai cũng muốn học ĐH. Nhưng nghịch lý là đầu ra lại thừa, vì quá mất cân đối trong đào tạo. 10 năm nay, các ngành tài chính thu hút thí sinh quá nhiều, giờ đang ở tình trạng bão hòa, thậm chí là thừa. Cho nên mở trường, mở ngành phải tính toán. Đáp ứng nhu cầu học là một chuyện, nhưng đáp ứng đầu ra còn quan trọng hơn. Ngay mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 này cũng vậy, bộ chưa hề cho biết nguồn nhân lực mà xã hội đang yêu cầu là gì? Vì vậy, năm nào thí sinh cũng đổ xô vào ngành tài chính, kinh tế. Ít nhất anh phải dự báo trong 3 - 4 năm tới, ngành nào cần, cần bao nhiêu để người học biết sau khi họ học ĐH ra trường có thể xin việc ở đâu, ngành gì, từ đó chọn ngành nghề cho trúng.
- Cảm ơn ông!
PHAN THẢO thực hiện