Phá bỏ rào cản

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các dự báo hiện nay cho thấy nguồn kiều hối năm 2012 có thể đạt khoảng 10 - 11 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra. Đây là điều đáng mừng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nền kinh tế Việt Nam vẫn có được sự bổ trợ ngoài dự đoán từ nguồn kiều hối - nhân tố tạo nên động lực quan trọng giúp tăng nguồn vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế năm 2012 không suy giảm quá sâu.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào sinh sống, học tập và lao động tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về nước, trong đó có không ít chuyên gia, trí thức về làm việc cũng như tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hiện có trên 3.500 doanh nghiệp trong nước được thành lập hoặc có vốn góp của kiều bào với tổng số vốn đăng ký khoảng 8,4 tỷ USD. Kiều hối gửi về nước tăng trung bình 10% - 15%/năm; năm 2011 đạt trên 9 tỷ USD, chiếm gần 10% GDP.

Như vậy, nguồn lực hàng năm kiều bào gửi về nước rất lớn, góp phần không nhỏ cho sự phát triển chung. Không chỉ vật lực, nguồn trí lực, chất xám của người Việt Nam ở nước ngoài đang “chảy” về Việt Nam còn đáng giá gấp nhiều lần, không thể đo đếm. Như GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) từng bày tỏ, giới trí thức kiều bào có nhiều người là những nhà khoa học tên tuổi, chuyên gia đầu ngành hiện đang làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu và công ty nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhờ giỏi ngoại ngữ, am tường luật pháp quốc tế nên có thể nói họ như những người gác cổng về mặt học thuật.

Một vấn đề được đặt ra nhiều trong mấy năm qua, đó là mặc dù đã có những chính sách mang tính cởi mở hơn nhưng việc thu hút nguồn lực kiều bào đóng góp xây dựng đất nước vẫn chưa thực sự tương xứng và còn bộc lộ nhiều hạn chế. Mong muốn của kiều bào vẫn còn nhiều điều chưa được đáp ứng. Nhiều kiều bào thể hiện trăn trở, họ không cần ưu đãi về tài chính mà chỉ cần các cơ chế thông thoáng. Họ cần được chứng tỏ đâu là cơ hội ở Việt Nam để các trí thức hay doanh nghiệp quay về tham gia đầu tư, nghiên cứu.

Thấu hiểu tâm tư của kiều bào, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách “mở” hơn để tạo điều kiện cho kiều bào trở về thuận lợi. Gần đây nhất, sự kiện GS Ngô Bảo Châu được Chính phủ giao trọng trách ở Viện Toán cao cấp, được dành những điều kiện thuận lợi để phát huy tốt nhất khả năng... khiến nhiều người tin rằng sẽ có một cơ chế thông thoáng hơn để thu hút các trí thức, doanh nghiệp kiều bào quay về tham gia đầu tư, nghiên cứu ở Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, dự thảo Quyết định của Chính phủ quy định chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với nhiều ưu đãi đã mở ra hy vọng trong thu hút nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài về nước giảng dạy thời gian tới.

Cùng với đó, Chính phủ cũng nêu rõ, sẽ tập trung đầu tư phòng thí nghiệm cùng với các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học theo các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tương đương với các cơ sở ở nước ngoài để thu hút các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài đến làm việc. Chính phủ cũng cam kết tạo môi trường thông thoáng cho nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài khi về Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ...

Như vậy, khi quyết định này có hiệu lực, những “rào cản” trong việc thu hút các nhà khoa học là người nước ngoài và nhà khoa học, chuyên gia là kiều bào hiện nay như điều kiện làm việc, cơ chế, chế độ đãi ngộ... sẽ được giải quyết. Một khi cơ chế đã thông thoáng, không có lý do gì để những trí thức, doanh nghiệp kiều bào ngại ngần trở về, vì hơn ai hết, dòng máu Việt luôn chảy mạnh mẽ trong con người họ.

P.THẢO

Tin cùng chuyên mục