Phá bỏ sức ì du lịch Việt Nam

Ngành du lịch Việt Nam đã ra đời 52 năm nhưng Luật Du lịch mới có hiệu lực từ năm 2006. Tuy nhiên, Luật Du lịch còn nhiều thiếu sót, hạn chế và đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua từ năm 2014 trở đi luật mới có hiệu lực.

Ngành du lịch Việt Nam đã ra đời 52 năm nhưng Luật Du lịch mới có hiệu lực từ năm 2006. Tuy nhiên, Luật Du lịch còn nhiều thiếu sót, hạn chế và đang được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua từ năm 2014 trở đi luật mới có hiệu lực.

Tại hội thảo lấy ý kiến, sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch do Tổng cục Du lịch Việt Nam phối hợp với dự án ESRT (chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) vừa triển khai, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - người đã từng tham gia công tác xây dựng Luật Du lịch năm 2006 cho rằng: Kinh doanh lữ hành, vận chuyển và hướng dẫn viên du lịch đang xuất hiện nhiều bất cập.

Việc chuyển hướng sang phát triển thị trường nội địa vài năm gần đây cho thấy, khi xây dựng luật chưa chú ý đúng mức đến lữ hành nội địa. Đây là nguyên nhân làm loại hình này lộn xộn, cạnh tranh không lành mạnh, khó quản lý, chất lượng ngày càng đáng báo động.

Có khoảng 1.000 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại Việt Nam hiện nay, trong đó 30% kinh doanh đưa khách vào Việt Nam (inbound), 70% đưa khách Việt Nam ra nước ngoài (outbound). Inbound được xem như xuất khẩu tại chỗ nhưng hiện nay luật chỉ tập trung quản lý loại hình này và cũng chưa thể hiện sự ưu tiên cho inbound như những ngành xuất khẩu khác. Trong khi đó, lại buông lỏng quản lý loại hình outbound (xem như nhập khẩu).

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, cần tách bạch outbound và inbound trong kinh doanh lữ hành quốc tế. Luật cần có chính sách khuyến khích DN đưa khách vào Việt Nam. Ông Lý Tất Vinh, Công ty Du lịch Chợ Lớn, đề xuất cần xem bảo hiểm du lịch là điều kiện bắt buộc để bảo vệ du khách. Mọi hoạt động có liên quan đến khách du lịch đều phải mua bảo hiểm, vì hiện nay chỉ có bảo hiểm cho khách outbound, khách nội địa hoàn toàn không có, khách inbound không bắt buộc.

Bên cạnh những thay đổi bắt buộc để phù hợp với tình hình mới, khi mà Việt Nam đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều nước và nhiều tổ chức quốc tế, du lịch Việt Nam cũng cần phát triển theo hướng chuẩn của thế giới. Luật cần bổ sung nhiều loại hình du lịch mới như tàu biển, khám chữa bệnh, homestay…

Để hạn chế tình trạng nở rộ công ty du lịch hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp mạnh trong xử lý, chế tài. DN kinh doanh lữ hành nội địa cũng phải nộp ký quỹ. Hiện nay, chỉ có DN lữ hành quốc tế phải nộp ký quỹ 250 triệu đồng. Đây được xem là công cụ quản lý của ngành du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này đã gây ra nhiều bức xúc, tranh luận trong DN du lịch, vì xưa nay số tiền khá lớn này nằm chết trong kho bạc mà không được sinh lời, mặc dù Bộ Tài chính chấp nhận trả lãi cho số dư tiền ký quỹ theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn. Các DN đề xuất nên dùng nguồn vốn này vào việc tái đầu tư, xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục