Phá rừng là trọng tội!

Cách đây gần 5 năm, Báo SGGP đã lên tiếng về nạn chặt phá rừng để trồng cây cao su tại một số địa phương thuộc khu vực miền Trung. Trong tất cả hồ sơ, tờ trình cũng như thông tin cung cấp cho cơ quan truyền thông, những địa phương có tình trạng này đều khẳng định rừng bị chặt phá là “rừng nghèo, rừng kiệt”. Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy!

Lợi dụng chủ trương chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo, rừng kiệt không còn giá trị sử dụng sang trồng cây cao su nhằm góp phần phát triển kinh tế, một số cán bộ địa phương đã thông đồng với các đầu nậu tàn phá nhiều cánh rừng bạt ngàn với những cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Một trong những thủ đoạn của những đối tượng này là bắt đầu khai thác từ lõi các cánh rừng, sau đó khai thác dần ra xung quanh. Do đó, nếu từ bên ngoài nhìn vào, rất khó phát hiện sự tàn phá có tính toán này. Đến khi người dân địa phương hoặc các cơ quan truyền thông phát hiện ra sự việc thì “rừng đã bị phá xong”!

Trong một thời gian ngắn, hàng trăm ngàn mét khối gỗ, trong đó có không ít loại gỗ quý hiếm đã bị đưa ra khỏi rừng một cách khá dễ dàng, dù các trạm kiểm soát vẫn “hoạt động ngày đêm”.

Mới đây, các chuyên gia lâm nghiệp lại lên tiếng báo động về tình trạng chặt phá rừng tràn lan để trồng cao su ở nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Nguyên. Trong những năm qua, có đến hàng trăm ngàn hécta rừng đã được chuyển đổi sang trồng cây cao su, trong đó có một diện tích rừng khổng lồ không thuộc diện rừng nghèo, rừng kiệt cũng bị chặt phá không thương tiếc. Sự lạm dụng đã vượt quá mức báo động và gây bức xúc lớn trong dư luận.

Trên thực tế, chủ trương chuyển đổi rừng kiệt, rừng nghèo sang trồng cây cao su ngay sau khi được đưa vào áp dụng đã bị một số địa phương, đơn vị lạm dụng. Trong không ít trường hợp, các tiêu chí xác định rừng nghèo, rừng kiệt thường xuyên bị “đánh đu” với nhiều kỹ xảo khó tin. Nhiều cánh rừng với hàng vạn cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm cũng có thể bị hô biến thành rừng nghèo, rừng kiệt một cách dễ dàng. Sau khi hồ sơ được thông qua, hàng chục chiếc xe với đầy đủ trang thiết bị nối đuôi nhau lao vào hủy diệt các cánh rừng bạt ngàn cây cổ thụ. Những tài sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người đã biến mất - nói đúng hơn là chui vào túi một số cá nhân. Sự vô lý đến khó tin này đã tồn tại suốt nhiều năm qua và vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi.

Theo đánh giá của các chuyên gia về lâm nghiệp, trong nhiều năm qua, một diện tích rất lớn rừng giàu trên cả nước - trong đó có không ít cánh rừng nguyên sinh quý giá đã bị tàn phá nặng nề. Với những cánh rừng còn lại, nếu cơ quan chức năng và các địa phương có rừng thiếu trách nhiệm hoặc buông lỏng quản lý, trong tương lai không xa, những khu rừng bạt ngàn đó có lẽ chỉ còn trong… ký ức. Còn đâu hình ảnh “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Để khắc phục triệt để tình trạng này, trong thời gian tới cần tăng cường sự giám sát trực tiếp của người dân tại địa phương. Sự giám sát đó nhằm đảm bảo rừng được chuyển đổi là rừng nghèo, rừng kiệt thật sự chứ không phải là rừng giàu. Hơn ai hết, người dân sinh sống tại địa phương gắn bó chặt chẽ và hiểu rõ rừng nơi họ sinh sống. Họ cũng chính là những người chịu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên nếu rừng bị tàn phá. Do đó, sự tham gia giám sát của người dân địa phương là hết sức cần thiết, góp phần quan trọng trong việc hạn chế các tiêu cực.

Ngoài ra, các tiêu chí để xác định rừng nghèo, rừng kiệt cũng cần được tính toán lại, tránh tình trạng bị các đối tượng xấu lợi dụng. Việc xác định những khu vực nào có thể chuyển đổi cũng cần được công bố công khai, rộng rãi trong cộng đồng và trên các phương tiện truyền thông để người dân địa phương cùng công luận tham gia giám sát, và cũng cần có ý kiến phản biện của các chuyên gia lâm nghiệp, các nhà bảo vệ môi trường.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến nay, diện tích trồng cao su đã vượt quy hoạch. Do đó, nên chăng ngưng việc chuyển đổi rừng sang trồng cao su. Các cơ quan chức năng cần xem xét để tạm dừng thực hiện chủ trương này. Bảo vệ rừng là lợi ích mang tính sống còn trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng tác động gay gắt... Những ý kiến đó đều xuất phát từ trách nhiệm công dân và có cơ sở khoa học lẫn thực tiễn.

Thực tế cho thấy, tình trạng rừng bị tàn phá suốt nhiều năm qua ở nhiều địa phương trên cả nước đã để lại nhiều hậu quả tàn khốc. Các trận lũ kinh hoàng đã cướp đi biết bao sinh mạng và của cải của người dân; để lại những hậu quả khủng khiếp về môi trường, sinh thái… Những thiệt hại to lớn do nạn phá rừng gây ra không dễ khắc phục và sẽ còn tác động đến nhiều thế hệ mai sau. Phá rừng, dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều là trọng tội!

TÔ NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục