Phá thế “hai gọng kìm”

TRẦN MINH TRƯỜNG

Ngày 29-2, tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai về hạn mặn. Đây là tỉnh thứ 6 của 8 tỉnh ven biển ĐBSCL công bố thiên tai về tình trạng này. Hạn, mặn ở ĐBSCL cũng nóng lên tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát báo cáo tổng quan về vấn đề này và nêu nhiều giải pháp cấp bách ứng phó trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và ĐBSCL. Tại ĐBSCL, hạn, mặn được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua. Theo thống kê, diện tích lúa có nguy cơ bị xâm nhập mặn là 339.234ha, chiếm 21,9% diện tích lúa đông xuân toàn vùng. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng hiện lên đến 104.000ha. Thiệt hại rất lớn, riêng thiệt hại về lúa là khoảng 1.000 tỷ đồng và chưa dừng lại; đồng thời, hạn, mặn cũng gây nhiều thiệt hại đối với cây ăn trái, thủy sản, rừng, chăn nuôi và nhất là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt làm cho cuộc sống người dân đảo lộn.

Theo các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), hạn hán năm 2016 không còn mang ý nghĩa là năm hạn về mặt khí tượng nữa (năm có lượng nước cung cấp thấp hơn trung bình nhiều năm) mà đã thể hiện rõ rệt là năm hạn về mặt nông nghiệp (khô hạn làm giảm năng suất và sản lượng cây trồng phổ biến), đồng thời có nhiều biểu hiện mang dấu ấn của năm hạn về mặt xã hội, được hiểu là hạn hán liên quan đến những thiệt hại làm giảm nguồn thu ngân sách xã hội, gây ra những biến động cho cộng đồng xã hội, thiếu nước sinh hoạt ở mức báo động, ngưng trệ nhiều nguồn sản xuất - sinh kế, tạo những dòng di dân tạm thời, chính quyền các địa phương công bố thảm họa thiên tai, phải huy động các nguồn lực khác để cứu trợ khẩn cấp!

Từ năm 2008, Bộ TN-MT đã xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Theo đó, do đó nếu nước biển dâng 1m, hầu hết ĐBSCL và các vùng miền khác bị ngập trong nước biển hoặc bị xâm nhập mặn nghiêm trọng. Ngoài ra, còn một “gọng kìm” khác nữa là tác hại của việc các quốc gia đầu nguồn sông Mê Công xây dựg các đập thủy điện trên dòng chính, làm thay đổi dòng chảy, lưu lượng và chất lượng nguồn nước của con sông này. Tần suất nhiều hơn và mức độ ảnh hưởng của thiên tai và “nhân tai” với ĐBSCL ngày càng lớn. Điều đó cho thấy hạn hán và mặn xâm nhập ở ĐBSCL hiện nay không phải là vấn đề mới mà đã từng tồn tại, được dự báo và biến đổi khí hậu không còn là kịch bản nữa mà đã được thiên nhiên trình diễn ngoạn mục trong nỗi lo thắc thỏm của cư dân các tỉnh ven biển ĐBSCL khi nó được nâng tầm thiên tai.

Trước thực trạng trên, Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp như: rà soát, cập nhật cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý; điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội; xây dựng kế hoạch tích nước và điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du vào những thời kỳ khô hạn; đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi ở các vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn để kịp thời cấp nước phục vụ sản xuất và dân sinh; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng chống cháy rừng, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng chống cháy rừng bảo đảm xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra…

Một lần nữa, vấn đề sống chung với hạn, mặn đang được đặt ra, như người dân ĐBSCL đã từng sống chung với lũ. Tuy nhiên, đối phó với mặn xâm nhập và khô hạn chắc chắn sẽ khó khăn và tốn kém hơn việc chủ động sống chung với lũ. Từ nhiều thập niên trước, nhà nước đã đầu tư nhiều hệ thống công trình thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng ĐBSCL. Dù mục tiêu chính lúc ấy là bảo đảm sản xuất lúa, nhưng liên quan mật thiết vẫn là vấn đề dân sinh. Như vậy, để ứng phó với hạn, mặn, bên cạnh các giải pháp công trình, các giải pháp phi công trình cũng phải được tính đến vì chúng ta không thể ngăn được tất cả các cửa sông, biến ĐBSCL thành một “Hà Lan” thứ hai. Người dân ĐBSCL cần được tuyên truyền sâu rộng hơn về tác hại của biến đổi khí hậu, những thách thức cần phải vượt qua và cần được hỗ trợ thiết thực về kinh nghiệm lẫn điều kiện sống chung với hạn, mặn như: tích trữ nước ngọt, thay đổi tập quán sản xuất, các biện pháp ứng phó với dịch bệnh do nguồn nước… Rõ ràng, sống chung với hạn, mặn không chỉ là ứng phó với thiên tai, mà là vấn đề lâu dài, cần có chiến lược phù hợp, để bảo vệ vùng châu thổ trù phú này.

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục