Sáng 27-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Rất nhiều điểm của 2 dự luật này không được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình.
Cần tập trung lo nhà ở xã hội
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), thảo luận về dự án luật này, các ĐBQH của TPHCM như ĐB Huỳnh Thành Lập, Trần Du Lịch, Trần Hoàng Ngân, Võ Thị Dung, Đỗ Văn Đương, Trần Thanh Hải; ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đều đồng tình cho rằng, nhà ở là nhu cầu bức xúc của mọi người dân, “nhưng tiền đâu mà mua”, vì thế xây dựng luật này thì phải tập trung xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) để dân có thể mua, thuê”. Các ĐBQH nghiêng về quan điểm NƠXH chủ yếu là cho thuê, vì đây là xu hướng chung của thế giới.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần tập trung chính vào vấn đề giải quyết NƠXH, không nên ôm đồm quá nhiều các vấn đề khác. ĐB Trần Thanh Hải đề nghị đối với người làm công ăn lương, nếu thực hiện chính sách NƠXH thì phải có chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện để họ thuê mua. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm nhà ở cho người lao động, nhất là tạo điều kiện về đất đai, vì Nhà nước làm NƠXH thì không xuể.
ĐB Lê Trọng Sang (TPHCM) cũng đề nghị, luật phải quy định rõ: NƠXH là nhà ở có sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước thông qua tổ chức tín dụng cho các hộ thu nhập thấp.
Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, Nhà nước phải có quỹ nhà ở và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm xây dựng NƠXH. ĐB Huỳnh Thành Lập cũng nói, Luật Nhà ở phải làm sao để bảo đảm có nhiều chỗ ở cho người lao động, có chỗ ở chứ không phải là sở hữu nhà ở. Cho thuê nhà thì phải để quan hệ dân sự điều chỉnh, không buộc người dân phải đăng ký nhiêu khê. Vì như ĐB Trần Du Lịch nói, nhà có 2 phòng cho thuê, vì phải đăng ký cho thuê thế là thành “nhà doanh nghiệp”.
Sở hữu nhà ở của người nước ngoài đều có chung lo ngại của các ĐBQH. Theo ĐB Võ Thị Dung sau khi quản chặt quá thì nay, điều kiện sở hữu nhà ở của người nước ngoài lại thoáng quá. ĐB Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, dự thảo quy định theo hướng “quá mở” khi mọi đối tượng người nước ngoài được nhập cảnh đều có quyền sở hữu nhà ở.
Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành, luật nên quy định ít nhất cá nhân nước ngoài phải được phép lưu trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được phép mua nhà và cũng chỉ được mua tại một số khu vực nhất định; nếu không có thể phát sinh nhiều hệ lụy khó lường trước.
Các ĐB: Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình), Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Vũ Chí Thực (Quảng Ninh), Lê Minh Hiền (Khánh Hòa)... cũng cho rằng, quy định thoáng đó sẽ gây nên những e ngại đầu tư, trục lợi trên thị trường bất động sản (BĐS). Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng, việc mở cho người nước ngoài tham gia thị trường BĐS là “quá dễ dãi” và “có cảm tưởng luật ra đời để giải quyết vấn đề đóng băng trên thị trường hiện nay” chứ chưa nghĩ lâu dài.
“Trứng vàng vào tay ai?”
Xung quanh dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi), ĐB Trần Du Lịch khẳng định, mục tiêu là lành mạnh hóa thị trường BĐS, vậy thì phải dựa trên Hiến pháp và Luật Đất đai sửa đổi để làm luật này. “Phải làm rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được kinh doanh BĐS đến mức nào. Không thể chấp nhận việc nhà đầu tư lấy đất nông nghiệp, sau đó chờ Nhà nước làm đường để nâng giá lên bán. Từ Quốc hội khóa XII tôi đã từng nói, đất đô thị đẻ trứng vàng nhưng trứng vàng đó không rơi vào Nhà nước mà rơi vào tay ai?”, ĐB Trần Du Lịch bức xúc. Tương tự, vấn đề thế chấp, cho thuê... phải để quan hệ dân sự điều chỉnh, đừng đặt ra nhiều thủ tục gây khó cho dân.
ĐB Đỗ Văn Đương cũng phát biểu, luật vẫn chưa có chế định về kinh doanh BĐS. “Các doanh nghiệp nhận hàng trăm tỷ đồng của khách rồi cả mấy năm nhà không xây, tiền đó nằm ở đâu, có phải chiếm đoạt tài sản người khác không? Phải làm rõ. Cần có cơ chế để quản lý chặt chẽ tiền đầu tư xây dựng BĐS, như các chuyên gia nói là phải cơ chế tay 3: doanh nghiệp - khách hàng - ngân hàng để biết tiền đó đi đâu”, ông Đương đặt vấn đề. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề như cách tính diện tích của căn hộ chung cư, vấn đề bảo trì tòa nhà chung cư, diện tích sở hữu chung, sở hữu riêng ở tòa nhà chung cư... cần phải được giải quyết trong luật này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, dự thảo luật cho chủ đầu tư kinh doanh BĐS cho thuê, mua BĐS hình thành trong tương lai. “Nhưng nhiều tiêu cực trong thời gian qua như nợ xấu, khiếu kiện, tranh chấp giữa chủ đầu tư với khách hàng... đều là do mua bán nhà ở trên giấy mà ra. Vả lại, hy vọng “phá băng” thị trường nhờ quy định này là không đủ cơ sở”.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Tùng (Sóc Trăng) lại cho rằng, kinh doanh tài sản hình thành trong tương lai là chuyện bình thường, chỉ có điều phải thận trọng để có thể xử lý tranh chấp, không nên vì thế mà né tránh, sẽ hạn chế một kênh huy động vốn. “Tôi nghĩ nên cho phép bán, cho thuê, thuê mua tài sản BĐS hình thành trong tương lai, đồng thời rà soát, quy định chặt chẽ hơn về chế định bảo lãnh” - ĐB Nguyễn Thanh Tùng nói.
PHAN THẢO - BẢO VÂN - NGỌC QUANG
>> Quốc hội thảo luận dự án Luật Phá sản (sửa đổi): Quy định chặt chẽ tiêu chí phá sản