Chiều 12-9, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PC-CC) TPHCM và UBND quận Bình Tân tổ chức họp rút kinh nghiệm sau vụ cháy xảy ra tại nhà số 9, đường 10A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân vào đêm 7-9, làm 1 cán bộ Cảnh sát PCCC đã hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương. Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C66) - Bộ Công an tham dự và chỉ đạo.
Thông tin tại buổi họp, Đại tá Huỳnh Văn Quyến, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, cho biết căn nhà bị cháy có diện tích mặt bằng 250m2, quy mô 1 trệt 1 lầu, sàn đúc bê tông giả. Căn nhà được chủ nhà sử dụng vừa để ở vừa làm kho chứa quần áo. Thiệt hại sau vụ cháy, về tài sản: toàn bộ căn nhà và 5 tấn quần áo bị cháy rụi, ước thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Trong quá trình chữa cháy, Đại úy Phạm Phi Long hy sinh và 2 chiến sĩ khác bị thương.
Về nguyên nhân gây cháy, Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Pháp chế Điều tra và Xử lý về cháy, nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM) cho biết, ngay sau khi vụ cháy xảy ra, đơn vị đã phối hợp cùng Công an quận Bình Tân nhanh chóng điều tra. Theo đó, tại thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có 2 người là nhân viên bảo vệ kho chứa hàng gồm Nguyễn Thành Hữu và Dương Văn Thảo. Làm việc với cơ quan chức năng, Hữu cho biết lửa phát ra ở khu vực máy bơm nước. Trong khi đó, Thảo khai lửa phát sinh ở khu vực Hữu đang nằm.
Qua đấu tranh, Hữu khai nhận, 21 giờ tối 7-9, anh ra tiệm tạp hóa gần nhà mua nhang muỗi. Khi về nhà, Hữu đốt nhang muỗi, cắm vào kéo cắt chỉ và để lên miếng cạc tông ở gần giường. Sau đó, Hữu bật quạt ngủ. “Trước lời khai trên, cơ quan điều tra đã thực nghiệm lại hiện trường theo lời khai của Hữu, cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân gây cháy phát sinh từ nhang muỗi và lan sang các thùng cạc tông chứa quần áo rồi bùng cháy ra toàn bộ căn nhà. Tuy nhiên đây là kết quả ban đầu, còn kết quả chính thức phải chờ kết luận của cơ quan điều tra”, đại diện Phòng Pháp chế Điều tra và Xử lý về cháy, nổ (Cảnh sát PCCC TPHCM) cho hay.
Theo Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM, sau khi tai nạn thương tâm xảy ra với cán bộ, chiến sĩ trong lúc chữa cháy, đơn vị đã làm rõ lại quy trình chữa cháy của các đơn vị tham gia chữa cháy. Qua đó có thể khẳng định nghiệp vụ chữa cháy diễn ra đúng quy trình, chiến thuật chữa cháy hợp lý. Nguyên nhân trực tiếp khiến Đại úy Phạm Phi Long tử vong và 2 chiến sĩ bị thương là do căn nhà bị cháy có sàn đúc giả. Khi bị cháy, nhiệt độ cao làm kết cầu sàn biến dạng dẫn đến sập, các bức tường ở tầng 1 đổ đè lên các chiến sĩ.
Từ vụ cháy này, Đại tá Lê Tấn Bửu đề nghị các đơn vị trực thuộc Cảnh sát PCCC TP rút kinh nghiệm, trong chữa cháy, khi tiếp cận đám cháy, cán bộ - chiến sĩ, nhất là chỉ huy chữa cháy phải làm tốt công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản để có phương án, chiến thuật chữa cháy hiệu quả, an toàn. Trong vụ cháy nhà ở quận Bình Tân, nếu chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nắm được công trình bị cháy có sàn bê tông đúc giả, có phương án chữa cháy hợp lý hơn, có thể hậu quả đã không nặng nề đến vậy.
Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Cục phó Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (C66) - Bộ Công an đề nghị Cảnh sát PCCC TPHCM phối hợp với Công an quận Bình Tân và các cơ quan liên quan sớm điều tra, làm rõ nguyên nhân chính thức dẫn đến 1 cán bộ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương trong lúc chữa cháy.
Tại buổi họp rút kinh nghiệm, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy quận Bình Tân thông tin hiện trên địa bàn quận có 740.000 dân. Cơ cấu phát triển kinh tế của quận hướng đến các ngành công nghiệp, dịch vụ. Theo đó, số lượng xí nghiệp, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp… trên địa bàn nhiều, do vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Tới đây, địa phương sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp về PCCC, như: Trang bị xe chữa cháy mi ni, mỗi phường có một khu phố điểm về an toàn PCCC; tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về PCCC tại các cơ sở sản xuất, kho bãi, chung cư…