Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, rất trăn trở với việc làm sao để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường giám sát và phản biện xã hội. Trong cuộc trao đổi với phóng viên SGGP, ông mong những điều này được khẳng định rõ ràng hơn trong lần sửa Hiến pháp năm 1992. Ông Phạm Thế Duyệt nói:
Chúng ta nói Đảng lãnh đạo đất nước, điều đó rõ rồi. Nhưng vấn đề thứ hai, Nhà nước quản lý, chúng ta còn nhiều điều trăn trở trước những yếu kém cần khắc phục, cũng như có những vấn đề lớn phải đương đầu trong tình hình mới. Theo tôi, quản lý Nhà nước cần sự rõ ràng hơn, thể hiện được quyền lực tập trung, đại diện cho dân ở cả 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong từng giai đoạn, nhiệm vụ chính trị có những yêu cầu mới, lớn, phải tập trung và có những mũi nhọn đột phá. Các cơ quan Nhà nước hoạt động trong thời kỳ đổi mới vừa qua có những kết quả tốt, cả về đối nội đối ngoại, quản lý đất nước, nhưng cũng có nhiều mặt yếu kém, phải chấn chỉnh.
- Phóng viên: Thưa ông, trong tình hình hiện nay, vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân được đề cập nhiều. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
>> Ông PHẠM THẾ DUYỆT: Điều này tôi rất quan tâm. Nhân dân làm chủ là ai, điều này phải thể hiện cho rõ ràng trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Không phải tôi từng làm công tác Mặt trận mà nói thế đâu. Nhưng rõ ràng Mặt trận đã được khẳng định là một liên minh chính trị, một liên hiệp tự nguyện của Đảng với mấy chục tổ chức thành viên, những người tiêu biểu ở trong và ngoài nước, các tôn giáo, dân tộc. Như vậy, Mặt trận theo tôi hiểu phải đại diện cho nhân dân làm chủ và Hiến pháp cần khẳng định điều đó. Trong các hoạt động chính trị lớn, chúng ta bao giờ cũng khẳng định vai trò của Đảng, Nhà nước và Mặt trận. Nhưng Mặt trận có đại diện được cho dân hay không, cần khẳng định vấn đề này rõ ràng hơn. Như vậy mới vừa phát huy quyền lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vừa để Mặt trận là chỗ dựa vững chắc cho Nhà nước.
Tôi muốn lần sửa Hiến pháp này, phải đề cập rõ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Nhân dân làm chủ cũng phải nói rõ hơn. Có phải tất cả mấy chục triệu dân đứng ra làm chủ hay Quốc hội? Quốc hội đại diện cho nhân dân nhưng là cơ quan quyền lực cao nhất và là cơ quan lập pháp. Thế nên Quốc hội muốn lắng nghe được các tầng lớp nhân dân chỉ có thể dựa vào Mặt trận. Lần sửa Hiến pháp này phải làm rõ về quyền làm chủ của nhân dân.
- Đảng lãnh đạo cần chú trọng huy động trí tuệ của nhân dân như thế nào, thưa ông?
Như đã nói, về vấn đề Đảng lãnh đạo, tôi cho rằng cần cố gắng quán triệt tư tưởng của Bác Hồ về phát huy dân chủ. Đảng lãnh đạo thông qua việc phát huy dân chủ, được sự đồng tình, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thì tốt vô cùng. Cho nên tất cả các khía cạnh phải coi phát huy dân chủ thật đúng mức.
Hiện nay có nhiều vấn đề bức xúc, không thể chỉ dùng cơ quan lãnh đạo của Đảng và cơ quan pháp luật của Nhà nước quản lý nổi. Nhất định phải dựa vào dân mới giải quyết nổi, nhất là vấn đề tham nhũng, lãng phí và nhiều vấn đề khác. Nên chăng suy nghĩ chỗ này như thế nào để đề cập cho đúng mức vấn đề phải phát huy được trí tuệ của dân trong hình thành đường lối chính sách của Đảng, phát huy được trí tuệ của dân để xử lý những vấn đề khó khăn bức xúc nhất. Ban Chấp hành Trung ương hơn trăm người rất quan trọng, nhưng có bằng trí tuệ của cả đội ngũ cán bộ của Đảng, bằng trí tuệ của đội ngũ trí thức mà Đảng đã đào tạo, bằng cả những trí thức ở các tôn giáo, dân tộc hình thành nên khối đại đoàn kết dân tộc? Tôi quan tâm đến điều đó rất nhiều và mong sửa Hiến pháp lần này nó phải rõ ràng. Nhân dân đã có những công lao đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước. Bác Hồ đã nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Với tư tưởng đó, bây giờ phải làm thế nào để thông qua tổ chức Mặt trận, phát huy được sức mạnh của dân.
- Vai trò giám sát của nhân dân trong tình hình mới cần được nhìn nhận ra sao?
Dân chủ và giám sát là một. Nếu anh tôn trọng dân chủ bao nhiêu thì càng phát huy được giám sát và phản biện bấy nhiêu. Giám sát và phản biện xã hội là thể hiện việc thực hiện quyền dân chủ. Nếu thực sự coi trọng quyền dân chủ, chỉ có thể coi trọng phản biện xã hội và giám sát của người dân. Còn nếu không coi trọng dân chủ thì những vấn đề đó chỉ nói thôi, không giải quyết được gì.
Tôi rất hoan nghênh chủ trương của Đảng vừa qua đã đưa vào thực hiện quy chế, quy định về giám sát và phản biện xã hội. Khi tôi làm Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, tôi đã quyết tâm làm cái này nhưng chưa được, đến nay mới được chấp nhận. Tôi cũng rất đồng tình với việc Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thành viên do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn. Đảng lãnh đạo, muốn sàng lọc được cán bộ tốt chỉ có thể thông qua cái đó. Tôi chỉ lưu ý, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thành viên do Quốc hội, HĐND bầu phải làm thực chất, đừng làm hình thức. Tôi mong muốn thông qua tổ chức Mặt trận, đoàn thể, nhân dân được tỏ chính kiến với cán bộ các cấp.
Phan Thảo (thực hiện)