Hôm nay 17-11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Đây luôn là nội dung hấp dẫn nhất trong mỗi kỳ họp, được đông đảo cử tri quan tâm. Nhưng điều mà người dân cả nước quan tâm là sau mỗi phiên chất vấn tại Quốc hội, các thành viên Chính phủ sẽ thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, trước cử tri ra sao. Đó chính là cơ hội để cử tri “lấy phiếu tín nhiệm” cho mỗi tư lệnh ngành. Phóng viên Báo SGGP phỏng vấn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Văn Vở xung quanh vấn đề này.
ĐBQH Trương Văn Vở
- Phóng viên: Thưa ông, nhiều ý kiến đánh giá rằng, sau các phiên chất vấn ở Quốc hội, dường như trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là các vị bộ trưởng đều được nâng lên?
>> Ông TRƯƠNG VĂN VỞ: Việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, bộ ngành xuất phát từ thông điệp rất quan trọng từ đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là thông điệp nhắc các thành viên Chính phủ thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu để làm sao nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các thành viên Chính phủ.
Sau mỗi kỳ họp Quốc hội, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành - nhất là từ sau kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ nhất của Quốc hội - cho thấy đã có tác động tích cực đến trách nhiệm của các bộ, ngành. Chúng ta có thể cảm nhận các bộ trưởng đã xác định trách nhiệm của mình một cách rõ ràng hơn. Ví dụ như ngành GTVT, bộ trưởng bộ này với phong cách làm việc quyết liệt trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong phạm vi của ngành mình đã được cử tri đánh giá rất tốt. Những vướng mắc, thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được tư lệnh ngành xử lý với tinh thần đi sát cơ sở, thực tế để tháo gỡ kịp thời vướng mắc, thậm chí là rất quyết liệt với các sai phạm của cán bộ, đơn vị thuộc ngành.
Một ví dụ khác là nếu trước đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với tín nhiệm không được cao nhưng qua theo dõi điều hành vừa qua thì thấy, vấn đề ổn định chính sách tiền tệ tài chính góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô đã thể hiện rõ vai trò của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó là việc ổn định được giá vàng, hay trong điều kiện khó khăn cũng bảo đảm tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt là cố gắng thực hiện 5 nhóm đầu tư tín dụng ưu tiên. Tất nhiên còn phải làm tiếp nhiều vấn đề trong lĩnh vực này, ví dụ là vấn đề thủ tục, thời hạn cho vay, mức cho vay với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn… Đó là một trong những ngành có chuyển biến tích cực nhất sau những phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội.
- Nhưng vẫn còn những lĩnh vực mà cử tri phàn nàn rất nhiều?
Đúng vậy. Còn quá nhiều vấn đề bộ, ngành cần phải quan tâm. Đơn cử như lĩnh vực của Bộ Nội vụ. Từ kỳ họp thứ 6 đến nay, theo Nghị quyết của Quốc hội về trả lời chất vấn giao Bộ Nội vụ triển khai một số văn bản, quy định chi tiết về thực hiện Luật Cán bộ công chức viên chức để làm cơ sở cho việc thực hiện tinh giản biên chế, làm cơ sở cho việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, nhưng đến nay triển khai rất chậm. Trách nhiệm chính là của Bộ Nội vụ. Đây là vấn đề mà lần này tôi sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, có 2 ngành tôi luôn theo dõi và thấy triển khai chậm trong thực tiễn mặc dù Quốc hội có Nghị quyết chất vấn giao trách nhiệm. Đó là ngành NN-PTNT, ngành LĐTB-XH.
Với ngành NN-PTNT là vấn đề quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là vấn đề được các ĐBQH chất vấn nhiều lần. Ở cả 2 kỳ họp thứ 6, thứ 7 tôi đều chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT hứa năm 2013, rồi lại hứa tiếp tháng 6-2014 sẽ có. Nhưng cho tới nay vẫn chưa có. Mà nếu chưa có cái này thì ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ảnh hưởng đến việc nâng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.
Ngoài ra, tại kỳ họp này, Chính phủ báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết 62 về quản lý thủy điện, trong đó xác định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan về trồng rừng thay thế diện tích đất nhường cho thủy điện. Rất tiếc khi rà lại thì thấy diện tích trồng rừng thay thế mới đạt 10%. Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, thực hiện đề án đặt hàng giữa cơ sở đào tạo nghề với các chủ sử dụng lao động… tôi đã đặt vấn đề này với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH từ kỳ họp thứ 5, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Mà hệ lụy thấy rõ là số lao động thất nghiệp không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hiện nay chiếm trên 65% trong tổng số lao động thất nghiệp.
- Với lĩnh vực giáo dục, y tế rất sát sườn với người dân thì sao thưa ông?
Lĩnh vực giáo dục tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chắc chắn còn phải “gia công” nhiều hơn. Kỳ họp này trình ra Quốc hội đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK), tôi cho triển khai đề án là tốt nhưng cốt lõi của vấn đề, mấu chốt của vấn đề đổi mới CT-SGK thì đề án đề ra còn mờ nhạt, chưa rõ. Chúng ta phải đi từ thiết kế khung CT giáo dục phổ thông chuẩn. Vì nếu không đi từ cái này thì vô hình trung Bộ GD-ĐT vẫn ôm việc biên soạn SGK là việc không phù hợp. Chúng ta cần xây dựng khung CT giáo dục phổ thông chuẩn, từ đó tạo điều kiện cho thực hiện chủ trương xã hội hóa trong biên soạn SGK.
- Như vậy, theo ông, qua mỗi kỳ họp Quốc hội, nhất là sau mỗi phiên chất vấn - trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội, từng thành viên Chính phủ đều nhận thức về trách nhiệm cao hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình. Vậy chất vấn cần được thực hiện thế nào để tăng hiệu quả tác động này?
Mỗi thành viên Chính phủ đều ý thức về việc thực hiện trách nhiệm của mình. Nhưng thực hiện với mức độ thế nào, hiệu quả ra sao mới là điều phải quan tâm. Theo tôi, quan trọng nhất là việc thực hiện lời hứa với mỗi cử tri tại mỗi kỳ họp, điều đó mới là điều mà người dân quan tâm nhất và các bộ trưởng cũng phải quan tâm đến điều này. Đó cũng chính là cơ sở để ĐBQH lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ.
Hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ phải được thể hiện, đong đếm ngoài thực tiễn, chứ không chỉ nằm ở các báo cáo và những phiên trả lời chất vấn, những lời hứa trước Quốc hội và cử tri. Vì vậy, cử tri rất mong chất vấn tại Quốc hội phải hỏi thẳng - trả lời thẳng để làm sao thấy được trách nhiệm của từng bộ trưởng, người đứng đầu các ngành, lĩnh vực. Vì thời gian để chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp không nhiều, nên cả người hỏi cũng như người trả lời đều phải đi thẳng để làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng bộ trưởng. Và quan trọng hơn cả, là các bộ trưởng đã hứa thì phải thực hiện lời hứa.
- Cảm ơn ông!
LÂM NGUYÊN