Phải thường xuyên quản lý công tác đăng kiểm xe cơ giới

Những ngày qua, người dân TPHCM và nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Nam rất mệt mỏi khi đi đăng kiểm xe cơ giới!

Báo cáo với Bộ GTVT về tình trạng này, Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu lý do, những ngày cuối năm nhu cầu đăng kiểm xe cơ giới của người dân tăng cao, trong khi đó một số trạm đăng kiểm phải ngừng hoạt động do cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm nên đã xảy ra tình trạng quá tải.

Cụ thể, trên địa bàn TPHCM có 19 đơn vị đăng kiểm và 49 chi nhánh phục vụ nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp, nhưng hiện nay đã có 8/19 trung tâm và chi nhánh với 20/49 dây chuyền phải ngưng hoạt động. Theo thông tin ban đầu từ các cơ quan chức năng, những đơn vị này có nhân viên, thậm chí cả lãnh đạo nhận hối lộ để cấp giấy đăng kiểm cho xe không đủ điều kiện. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng nêu rõ, đã chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm làm thêm giờ, kể cả ngày thứ bảy và chủ nhật để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; đồng thời Cục đã cử lãnh đạo và đăng kiểm viên có trình độ, kinh nghiệm của một số đơn vị trực thuộc vào TPHCM hỗ trợ các trạm đăng kiểm.

Trước hết phải khẳng định, nỗ lực phát hiện và xử lý các cán bộ, nhân viên đăng kiểm vì tiền mà “nhắm mắt” cho lưu hành những xe không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật là việc làm rất đáng hoan nghênh. Trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra khi xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật với các lỗi như lốp xe bị mòn, xe lắp còi không đúng quy định, thắng bị đứt…

Tuy nhiên cũng thấy rằng, thời gian qua ngành đăng kiểm Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm, đặc biệt chủ động thực hiện xã hội hóa công tác này để vừa giảm tải cho hệ thống đăng kiểm của Nhà nước (thuộc quản lý của các cơ quan Nhà nước như các Sở GTVT, Cục đăng kiểm), vừa tạo cơ hội cho người dân đi đăng kiểm thuận tiện hơn. Cả nước hiện có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó có tới 216 trung tâm đăng kiểm được hình thành từ chủ trương xã hội hóa. Có thể nói, số lượng khổng lồ các trạm đăng kiểm tư nhân này đã giúp hoạt động đăng kiểm trên cả nước đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của người dân và doanh nghiệp. Tùy từng địa phương nhưng cơ bản trung bình mỗi năm số lượng ô tô tại Việt Nam tăng thêm khoảng hơn 20.000 xe các loại. Nếu không có sự đóng góp của các trạm đăng kiểm tư nhân, hoạt động này sẽ là gánh nặng rất lớn cho ngành đăng kiểm.

Thế nhưng, rất đáng tiếc những vụ việc tiêu cực gần đây cho thấy sự gia tăng số lượng các trạm đăng kiểm chưa tương xứng với chất lượng hoạt động. Do đó, việc siết lại kỷ cương như Cục Đăng kiểm cho biết sẽ rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định theo hướng siết chặt công tác cấp phép, quản lý hoạt động của các trạm đăng kiểm, là việc phải làm. Chỉ mong rằng, việc quản lý chất lượng các trạm đăng kiểm, công tác hoạt động đăng kiểm của các lãnh đạo, các đăng kiểm viên phải được tiến hành thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh các sai sót, bất cập. Việc làm thường xuyên không chỉ giúp ngăn chặn kịp thời các sai phạm, mà còn tránh cho hoạt động đăng kiểm bị “dồn cục” như hiện nay. Đó là giải pháp lâu dài, còn trước mắt, các cơ quan chức năng cần phải gấp rút tăng cường nhân sự, cơ sở vật chất, kể cả cho phép hoạt động trở lại những trạm đăng kiểm vi phạm sau khi được xử lý, nhằm giải quyết khẩn cấp tình trạng ùn tắc... đăng kiểm. Từ đó, góp phần không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa, lưu thông của người dân trong dịp tết cho TPHCM - đầu tàu kinh tế cả nước - cũng như của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tin cùng chuyên mục