(SGGPO).- Chiều 4-11, QH thảo luận tại tổ về dự án sân bay Long Thành. Ghi nhận của SGGPO tại đoàn ĐBQH TPHCM cho thấy, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị Chính phủ, Quốc hội phải xem xét thật kỹ càng dự án này vì nhiều vấn đề chưa rõ. Ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, ai cũng mong đất nước có công trình to đẹp nhưng phải tính kỹ tính hiệu quả kinh tế-xã hội, tiền đâu làm, tác động nợ công ra sao, dư luận như vậy thì tính sao. Khả năng mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa như thế nào vì chúng ta đang có nhiều sân bay quốc tế trong khu vực như Phú Quốc, Cần Thơ...
ĐB Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị làm rõ tính cấp thiết của dự án này. “Đông đảo cử tri TPHCM không đồng ý nếu mở cửa sân bay Long Thành nhưng lại đóng sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu không đóng cửa, thì quy mô đến năm 2030 của sân bay Long Thành là quá lãng phí. Nói sân bay Tân Sơn Nhất là quá tải là điều đáng bất bình. Vì diện tích còn nhiều”, ĐB Dung nói. Theo ĐB Võ Thị Dung, đây là dự án mất lòng dân, nhất là cử tri TPHCM, nhưng Chính phủ vẫn cho làm. “Đề nghị Chính phủ hủy dự án, vì hiệu quả kinh tế không đáng bao nhiêu nhưng làm mất lòng tin của dân, nhất là việc nói không thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có thể làm thành đường băng sân bay. Tôi thay mặt ý kiến cử tri TPHCM đề nghị Thủ tướng cho hủy dự án này. Đoàn ĐBQH TPHCM đã tiếp xúc với các chuyên gia hàng không lâu năm, và nhận thấy Chính phủ cần mở rộng lấy ý kiến các chuyên gia hàng không cả trong và ngoài nước về dự án này”, ĐB Dung nói.
Chốt lại, theo ĐB Dung, dự án trong tương lai là cần nhưng chưa cấp thiết trong thời điểm này. Nhất là trong bối cảnh nợ công đang hết sức đáng ngại, không còn an toàn. ĐB Võ Thị Dung đề nghị để đến năm 2030 mới tính tiếp dự án này. Ngoài ra, ĐB đề nghị Chính phủ cũng cần hủy sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay này.
Đây cũng là quan điểm của hầu hết các ĐBQH TPHCM. ĐB Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) nói thêm, quy hoạch giao thông-vận tải (GT-VT) là rất lớn, phải liệu cơm gắp mắm, không thể làm cùng lúc. Trong khi đó, nhiều dự án xây dựng nhưng khai thác chưa hiệu quả. Đầu tư công trong GT-VT là lớn nhất, trong khi đó nợ công đang gia tăng. “Vậy thì sân bay Long Thành đã cấp thiết chưa. Trong khi chỉ mỗi việc tăng lương thì phải suy nghĩ tiền đâu. Còn dự án thì vẫn cứ “vẽ” ra nhiều. Tóm lại, về tính cấp thiết thì trong thời điểm này thì chưa làm dự án, nên lùi lại 2020, khi đã có điều kiện thì sẽ đầu tư hợp lý hơn”, ĐB Thiện nói.
ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho biết, hơn 4 năm qua, ½ buổi tiếp xúc cử tri của Tân Bình là nói về sân golf, về sân bay Long Thành. “Vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là có cơ sở. Chính phủ nói không thể nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là người ta không tin. Đó là chưa kể, khi Quốc hội, Chính phủ chưa có ý kiến gì thì Bộ GT-VT đã có thông tin về việc được nước ngoài cho vay 2 tỷ ÚSD, lồng ghép ảnh máy bay bay sát nhà dân... đều là thông tin làm dân mất tin. Làm gì cũng phải để dân tin. Phải đến đến năm 2030 mới làm, khi đã có của ăn của để. Còn Quốc hội quyết chủ trương đầu tư là để có quy hoạch ổn định, để bảo đảm cuộc sống của người dân”, ông Đương nói.
Thận trọng hơn, một số ĐBQH TPHCM cho rằng, dự án cần thiết như chưa phải là làm vào lúc này.
ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói rõ thêm, dự án này QH phải xem xét qua 2 kỳ, QH chịu trách nhiệm trước dân. “Không phải Quốc hội cho chủ trương là Chính phủ làm. Mà QH cho chủ trương thì Chính phủ mới làm báo cáo khả thi. Có báo cáo khả thi rồi thì mới trình ra Quốc hội để quyết làm hay không. Vì vậy, có thể yên tâm quy trình còn nhiều công đoạn, kỹ càng”, ông Lịch nói. Theo ông Lịch, báo cáo giải trình bổ sung của Chính phủ đã làm rõ hơn nhiều vấn đề. Về lâu dài, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thêm một sân bay nữa. Vùng này sẽ tồn tại 2 sân bay. “Dự án là cần thiết nhưng về lâu dài, nhưng có cấp thiết hay không thì phải trả lời, đó mới là vấn đề. Cần thiết, nhưng cấp thiết hơn thì phải tính. Nếu nâng sân bay Tân Sơn Nhất lên 30-40 triệu khách hay không, nếu nâng được thì sau 2020 mới làm Long Thành”, ĐB Lịch nói. ĐB Trần Du Lịch kiến nghị đoàn ĐBQH TPHCM sẽ trực tiếp nghe các chuyên gia hàng không, Ủy ban Kinh tế cũng đã nhận lời sẽ nghe, để họ phản biện về dự án này. “Có ý kiến nói không có phương án để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng cũng có ý kiến nói có thể nâng lên 35-40 triệu khách, đó là vấn đề cần làm rõ. Nếu không nâng lên được thì đến năm 2020, khi quá tải thì ai chịu trách nhiệm việc này nếu không xây Long Thành. Chắc chắn là lượng khách sân bay Tân Sơn Nhất sẽ vượt 25 triệu khách. Phải rõ các con số, để tránh cãi nhau.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng, đây là dự án lớn, không thể quyết định vấn đề lớn trong một thời gian ngắn, vẫn còn kỳ họp sau để xem xét. Trong thời gian đó, Chính phủ cần tổ chức các hội nghị phản biện về dự án. Kỳ họp tới, Chính phủ trình lại Quốc hội để quyết định. Dự án lớn phải cẩn trọng, vì ĐBQH chưa thể thẩm định chính xác về dự án. Kỳ tới Quốc hội cho chủ trương thì phải kèm báo cáo khả thi.
PHAN THẢO