Hiện nay Bộ Chính trị đang xem xét quyết định Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương (TƯ) MTTQ Việt Nam trao đổi về sứ mệnh phản biện xã hội của MTTQ trong thời gian tới.
- Phóng viên: Thưa ông, làm sao để ý kiến phản biện xã hội của các nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở các hội đồng tư vấn của MTTQ đến được với những địa chỉ cần đến?
>> Ông VŨ TRỌNG KIM: Các hội đồng tư vấn của MTTQ được thành lập và hoạt động 29 năm, ngày càng phát huy tốt vai trò. Họ đã tư vấn cho TƯ rất nhiều nội dung, vấn đề sát với thực tiễn, với đời sống của quần chúng nhân dân.
Tới đây, nhiệm vụ phản biện xã hội là rất nặng nề, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để các hội đồng tư vấn hoạt động, thể hiện được vai trò của thành viên các hội đồng. Khi có quy chế phản biện xã hội, các nhân sĩ, trí thức sẽ có điều kiện làm tốt hơn vai trò của mình trước nhân dân. Đó là giám sát, phản biện để làm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ về cơ sở, đến với nhân dân sẽ tốt hơn, bảo đảm đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của nhân dân.
- Trước đây có nhiều ý kiến phản biện không đến được các địa chỉ cần thiết. Sau khi có quy chế phản biện, điều đó sẽ thay đổi thế nào?
Các hội đồng tư vấn của MTTQ là nơi tập hợp trí tuệ, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân, tiếng nói của nhân dân, vì vậy sẽ phát huy được sức mạnh nội lực của nhân dân trong việc tham gia vào xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng thu thập càng nhiều ý kiến của nhân dân càng tốt và ý kiến đó phải đến được với Đảng, Nhà nước. Đảng và Nhà nước tiếp thu những ý kiến phù hợp, điều đó tốt cho việc phát huy sự đồng thuận trong xã hội. Không có gì mạnh mẽ bằng việc phát huy được sự đồng thuận trong xã hội.
Chúng ta tập trung phản biện trong thời điểm này phải có chủ đề. Không phải tất cả những ý kiến riêng rẽ đều đưa lên Đảng, Nhà nước, tức là phải tập hợp ý kiến trong từng thời điểm, có chủ đề, chủ điểm. Với những chủ đề, chủ điểm rõ ràng, MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp lại và gửi lên Đảng, Nhà nước, như thế mới khoa học. Không thể lượm lặt các ý kiến riêng lẻ. Vấn đề là biết chọn lựa và trung thành với những ý kiến của nhân dân.
- Những ý kiến phản biện trong năm 2013 sẽ được tập trung vào những chủ điểm nào?
Nếu theo đúng quy chế giám sát và phản biện xã hội tới đây sẽ ban hành thì năm 2013, nội dung rất nhiều. Sẽ có ban chỉ đạo do Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng ban, trên cơ sở đó sẽ phân công nội dung phản biện giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để tránh chồng chéo. Tôi cho rằng Luật Đất đai sửa đổi sắp tới là một trọng tâm. Dù là sửa luật nhưng đồng thời lại liên quan đến việc sửa chữa những cái tồn tại, khiếm khuyết, vì vậy chúng tôi phải góp phần cùng nhân dân các địa bàn nói lên tiếng nói, giải quyết các vấn đề về đất đai.
Trọng tâm thứ hai là tham gia đúng mức về sửa đổi Hiến pháp vì đây là vấn đề rất quan trọng, trong đó có quy định về quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân trước một xã hội có nhiều thay đổi. Thứ ba là luật MTTQ phải cụ thể hóa hơn nữa về dân chủ. Chúng ta cứ nói “dân chủ, dân chủ và dân chủ hơn nữa” nhưng phải thể hiện thế nào; tiếng nói nhân dân phải được tiếp thu như thế nào, chứ còn tiếng nói nhân dân chỉ giữa trời giữa đất, không được tiếp thu, chú ý thì không phù hợp nguyện vọng nhân dân, rất khó trong việc tạo ra khối đại đoàn kết dân tộc.
- Một số ý kiến cho rằng MTTQ cần chủ động đặt hàng các ý kiến, vấn đề để hội đồng tư vấn tham gia phản biện?
Điều này rất đúng. Ý kiến nhân dân nhiều chiều, đa dạng, rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều tầng lớp nhân dân nhưng chúng ta phải hướng việc lấy ý kiến nhân dân về các chủ trương của Đảng, đường lối lãnh đạo của Nhà nước. Giai đoạn này đang cần gì, đang triển khai gì và đang chuẩn bị công việc gì, mặt trận cần triển khai theo hướng đó để lấy được ý kiến nhân dân. Đó là việc làm khoa học để sát với chủ trương, yêu cầu của Đảng cũng như yêu cầu công việc của Nhà nước, Quốc hội.
Vì vậy, MTTQ sẽ có yêu cầu đề ra. Tức là đặt hàng, đề nghị các hội đồng tư vấn nghiên cứu về vấn đề này với hội đồng chuyên sâu. Tôi cho là việc làm đó cần thiết và khoa học. Trước đây cũng từng đặt hàng nhưng bị phân tán. Tới đây, MTTQ làm mang tính tổng quát hơn, trọng tâm, trọng điểm hơn. Việc này sẽ hướng vào một mục đích, một nhiệm vụ, việc sẽ gọn và hiệu quả.
- Ý kiến của nhân dân sẽ được MTTQ tiếp thu, xử lý ra sao?
Từ trước đến nay nhân dân mong MTTQ nghe ý kiến nhân dân đầy đủ, làm cầu nối, tiếp thu nội dung ý kiến nhân dân để chuyển đến cơ quan Đảng và Nhà nước giải quyết. Điều quan trọng là người dân phản ánh, MTTQ nghe xong phải trả lời, phải hồi âm là việc đó đúng hay chưa đúng, nếu có lỗi, phải sửa lỗi. Các hội đồng tư vấn của MTTQ vì vậy phải nói được tiếng nói của nhân dân; nhất là những nội dung nhân dân chưa tán thành cần được trả lời. MTTQ mong muốn làm được việc này, tức là tiếng nói từ nhân dân thì các hội đồng tư vấn phải biết, nếu không lãng phí thời gian và công sức của người dân.
Chúng ta đã có quy định cụ thể về thời hạn trả lời, phản hồi của các cấp chính quyền với ý kiến người dân. Nếu anh nhận được ý kiến của MTTQ, các đoàn thể lên, trong vòng 7 ngày phải xác nhận đã nhận được văn bản. Chậm nhất sau 60 ngày phải trả lời ý kiến của người dân mà MTTQ đã chuyển lên. Trường hợp MTTQ chưa đồng ý với trả lời đó thì tiếp tục kiến nghị lên. Quy trình rất chặt chẽ.
| |
Phan Thảo