Phạm Linh Đan: “Việt Nam - nơi tôi luôn nhớ về”

Phạm Linh Đan: “Việt Nam - nơi tôi luôn nhớ về”

Một vẻ đẹp Á Đông mảnh dẻ, nụ cười tươi sáng, sống tại Pháp khi mới tập nói nhưng tiếng Việt thành thạo, dù giọng hơi “cứng” một chút. Hiện sống tại London (Anh), nhưng Linh Đan đã từng làm việc, học tập khắp Âu, Mỹ. Và cô quyết định sang Mỹ học diễn xuất chuyên nghiệp, tiếp tục dấn thân vào điện ảnh.

Tôi muốn trở lại Việt Nam

Phạm Linh Đan: “Việt Nam - nơi tôi luôn nhớ về” ảnh 1
Phạm Linh Đan

Bộ phim Đông Dương (Indochine) lừng lẫy thế giới với 8 giải César và 1 giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất năm 1992, được đề cử phim nước ngoài xuất sắc nhất năm 1993 của Viện Hàn lâm Điện ảnh Anh và khi đóng phim này, Phạm Linh Đan mới 18 tuổi.

Với hành trang 1 giải César dành cho “diễn viên triển vọng nhất”, cô lao vào học vì “muốn làm vui lòng bố mẹ”, cô tâm sự. Linh Đan học ngành thương mại và trở thành giám đốc marketing. “Nhưng tình yêu điện ảnh trong tôi vẫn nguyên vẹn. Năm 2001, tôi quyết định sang Mỹ học diễn xuất tại Học viện Lee Strasberg và suốt 4 năm, tôi tham gia diễn kịch tại sân khấu New York. Tôi trở về Pháp theo lời mời của đạo diễn Jacques Audiard cho phim Trái tim lỗi nhịp (Beat that my heart skipped), Linh Đan kể. Bộ phim này đã mang đến cho cô thêm 1 giải César.

“Không thích tôi theo nghiệp diễn nhưng bố mẹ luôn muốn tôi trở lại Việt Nam để gắn bó hơn với quê hương mình. Bộ phim Đông Dương là cơ hội để tôi thực hiện mong mỏi ấy. Tôi muốn hiểu hơn về cuộc sống ở VN, muốn được mặc áo dài! Tôi có tới 5 chiếc áo dài rất đẹp dành mặc những dịp quan trọng. Một trong những lý do tôi đến với điện ảnh là muốn trở lại VN, nơi tôi sinh ra và luôn nhớ về”, Linh Đan nói. Lần này, cô theo đoàn giới thiệu điện ảnh Pháp tại VN, trong đó có phim Vù lẹ và lặn luôn mà cô tham gia. Linh Đan trở lại vì “với tôi, điện ảnh là đam mê lớn nhất. Nó giúp tôi khám phá nhiều thế giới, khiến tôi không ngừng ước mơ. Hiện tại, tôi rất hạnh phúc với những gì mình đang làm, đang có”, Linh Đan nói.

“Khi làm phim Đông Dương, đã có hơn 1.000 người đến thử vai Camille. Linh Đan được bà dẫn tới. Khi cô ấy bước vào phòng, tôi cảm giác có một luồng điện chạy qua người và linh cảm cô ấy là người thích hợp nhất. Tôi chọn 3 người thử vai. Mới đầu, Linh Đan không giỏi nhất nhưng càng về sau, cô ấy càng xuất sắc”, đạo diễn Regis Wargnier nói với báo giới.

Thật vậy, ai đã xem Đông Dương sẽ thấy một Phạm Linh Đan không hề “lép vế” bên cạnh Catherine Deneuve - người được mệnh danh là tượng đài, là nữ hoàng của điện ảnh Pháp, người phụ nữ đẹp nhất hành tinh - cùng nhiều diễn viên “gạo cội” khác như Vincent Perez, Jean Yanne, Dominique Blanc…

Tôi vẫn là người Việt!

Nhiều người ngạc nhiên về khả năng nói tiếng Việt của Linh Đan. Hỏi, cô chỉ nói: “Dù làm gì, ở đâu, tôi vẫn là người Việt Nam. Bố tôi gốc Hà Nội, mẹ tôi người Hải Phòng. Từ nhỏ, bố mẹ đã dạy tôi nói tiếng Việt, ăn món ăn Việt, tôi không phân biệt văn hóa Pháp hay Việt, trên phim hay ngoài đời cũng thế”. Những giải thưởng của cô không chỉ mang vinh dự về cho nước Pháp, mà nó còn niềm tự hào của người Việt, khi cái tên rất đỗi VN Phạm Linh Đan được xướng lên trên lễ đài đầy ánh sáng. “Linh Đan được lựa chọn bởi cô biết cách làm cho khán giả quên Phạm Linh Đan là ai, mà chỉ nhớ đến vai diễn của cô”, đạo diễn Régis Wargnier nói, ông luôn tự hào vì đã “phát hiện” ra một Phạm Linh Đan cho điện ảnh.

Ngoài 2 giải César - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất của Pháp - Phạm Linh Đan còn là một trong những thành viên quan trọng của BGK giải Lumiere Awards 2006. Trái tim lỗi nhịp đang được trình chiếu tại VN đã mang đến cho cô cơ hội xuất hiện tại các LHP quốc tế lớn của châu Âu từ Berlin (Đức) đến BAFTA (Anh)….

SONG PHẠM

Tin cùng chuyên mục