Phân bổ nguồn lực hợp lý

Giữa tuần này, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, định hướng kế hoạch phát triển năm 2012 và cả giai đoạn 5 năm 2011-2015. Các phiên họp này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi các ĐBQH không chỉ bàn bạc, quyết định những chính sách kinh tế ngắn hạn trong năm 2012, mà còn phải kiến nghị những chính sách kinh tế – xã hội mang tính dài hạn cho đất nước.

Ngay trước kỳ họp Quốc hội lần này, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng đã xem xét và quyết định một nội dung mới rất quan trọng, đó là phải tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 5 năm tới sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công, cơ cấu lại thị trường tài chính ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Đây chắc chắn cũng là những vấn đề sẽ được Quốc hội bàn thảo trong các phiên họp tới để đề ra các giải pháp phù hợp. Muốn vậy, trước hết cần phải nhận diện chính xác những bất cập về phân bổ nguồn lực hiện nay, từ đó mới có thể có các quyết sách đúng đắn về kinh tế vĩ mô dài hạn.

Những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta dựa vào lao động rẻ, khai thác tài nguyên tự nhiên thô; tăng trưởng theo chiều ngang, theo hướng xuất khẩu... đã thực hiện tốt sứ mệnh đưa nước ta từ một nền kinh tế kém phát triển trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, với mô hình đó Việt Nam đã phải huy động và sử dụng rất nhiều nguồn lực để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, trong khi chất lượng lại chưa được chú trọng. Sự tăng đột biến về đầu tư làm tăng nhanh hệ số ICOR cho thấy trong 10 năm vừa qua nước ta đã phải trả giá quá đắt cho mục tiêu tăng GDP. Tình trạng bội chi ngân sách triền miên ngày càng lớn, đầu tư công thiếu đồng bộ và không tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội đã góp phần tăng nhanh hệ số ICOR.

Một tồn tại đáng lo ngại hơn là nguồn lực sản xuất của quốc gia bị phân tán do cơ cấu kinh tế tỉnh và vùng kinh tế động lực chưa hợp lý. Cùng với việc mở rộng phân cấp quản lý kinh tế cho các tỉnh trong những năm gần đây, tình trạng xung đột lợi ích giữa các địa phương đã làm phá vỡ tính tổng thể của nền kinh tế quốc gia. Nguồn lực sản xuất của quốc gia bị phân tán, đầu tư công và cả đầu tư tư nhân bị dàn trải; các vùng kinh tế trọng điểm vừa chưa phát huy hiệu quả, vừa không có được sức mạnh của liên kết vùng. Tình trạng chạy đua công nghiệp hóa, xây dựng hàng trăm khu công nghiệp, khu kinh tế mở, khu đô thị mới của các địa phương đã biến một bộ phận rất lớn đất nông nghiệp thành đất hoang, tạo sức ép nặng nề đối với nông nghiệp và nông dân.

Bên cạnh đó, việc phân bổ các nguồn lực giữa các khu vực kinh tế không hợp lý trong những năm qua đang khiến nền kinh tế mất cân đối. Một bất hợp lý là khu vực kinh tế nhà nước được hưởng rất nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả hoạt động lại kém hơn hẳn khu vực kinh tế tư nhân. Theo tính toán, số doanh thu thuần do một đồng vốn của doanh nghiệp tư nhân tạo ra gấp hơn 3 lần so với doanh nghiệp nhà nước.

Trong báo cáo trình Quốc hội, Chính phủ cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu xây dựng đề án cơ cấu lại đầu tư công, đổi mới phân cấp quản lý, đảm bảo sự quản lý tập trung thống nhất của Trung ương về mục tiêu, định hướng phát triển và cân đối vốn đầu tư, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các khu vực kinh tế, các ngành, các địa phương… Tuy nhiên, tái cấu trúc đầu tư chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy và xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm và 5 năm một cách chặt chẽ để sử dụng có hiệu quả nhất các nguồn lực nhà nước và xã hội.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng cần phân bổ nguồn lực hợp lý bằng cách tạo ra cơ chế để thị trường tự điều chỉnh, sao cho nguồn lực của quốc gia được tập trung vào những địa chỉ có khả năng phát huy tốt nhất, thay vì can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Phải chuyển mạnh từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh trong bài viết xác định nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục