Ngày 13-7, tại TPHCM, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2012. Hàng tồn kho, sức mua giảm, doanh nghiệp (DN) nợ đọng thuế gia tăng… là những vấn đề “nóng” được hội nghị bàn luận.
Nợ khó đòi, doanh nghiệp giải thể tăng
Theo báo cáo, kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2012 của ngành thuế ước đạt 279.875 tỷ đồng, bằng 48,1% pháp lệnh, bằng 45,5% dự toán phấn đấu. Vấn đề nóng bỏng là con số báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 5-2012, tổng số nợ toàn ngành lên đến 51.024 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm. Trong đó, nợ khó thu là 5.150 tỷ đồng (tăng 270 tỷ đồng); nợ chờ xử lý là 5.700 tỷ đồng; nợ có khả năng thu là 37.874 tỷ đồng, tăng 12.476 tỷ đồng… Theo lãnh đạo Cục Thuế TP Hà Nội, số nợ thuế của khối xây dựng, công nghiệp, bán buôn, bán lẻ lên tới trên 5.000 tỷ đồng, chiếm 83,9% tổng số nợ thuế trên địa bàn.
Bên cạnh đó, số DN tạm nghỉ kinh doanh và DN ngưng hoạt động tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2012. Cụ thể, 6 tháng đầu năm cả nước có 21.678 DN tạm nghỉ kinh doanh, 22.230 DN ngưng hoạt động. Các tỉnh thành có số lượng lớn DN ngưng hoạt động là TPHCM (10.626 DN ngưng, nghỉ, giải thể); Hà Nội (7.745 DN giải thể); Đồng Nai (961 DN giải thể, phá sản)… Lãnh đạo các cục thuế tỉnh, thành cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN nợ đọng thuế, DN phá sản tăng là do tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa; thị trường bất động sản hoạt động trì trệ… Cụ thể, lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng cho biết, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo theo sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho gia tăng. Lãnh đạo Cục Thuế Đà Nẵng cho rằng, thu nhập của doanh nghiệp giảm sút khá mạnh. Ví dụ, tiền sử dụng đất thu từ các dự án bằng 18,4% so với cùng kỳ, giảm hơn 2.570 tỷ đồng. Thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển nhượng bất động sản bằng 37,7% so với cùng kỳ. Lệ phí trước bạ từ nhà đất bằng 21,5% so với cùng kỳ… Do vậy, tổng thu nội địa 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 29,3% dự toán và bằng 49,8% so với cùng kỳ năm 2011.
Cần “đòn bẩy” từ nhiều phía
Nguyên nhân số thu 6 tháng đầu năm giảm sút, theo báo cáo của ngành thuế là do: cơ chế chính sách điều chỉnh đối với một số trường hợp gia hạn nộp thuế, xóa nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế, phạt chậm nộp còn hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Nguyên nhân khác là ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận người nộp thuế chưa cao, số đông dân cư chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó “độ mở” của nền kinh tế còn lớn, quá trình hội nhập càng sâu, nhiều nghiệp vụ kinh tế mới phát sinh… đã gây khó khăn cho việc xây dựng cơ chế, chính sách thuế. Ngoài ra do cơ sở dữ liệu về người nộp thuế chưa được cập nhật kịp thời, thường xuyên, quy trình quản lý nghiệp vụ chưa có tính liên kết cao giữa các bộ phận; vai trò kiểm tra, giám sát, chỉ đạo điều hành ở một số cơ quan thuế chưa quyết liệt, kịp thời…
Tuy nhiên, muốn thực hiện đạt nhiệm vụ chỉ tiêu thu ngân sách, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ đạo ngành thuế phải ráo riết thực hiện các nhiệm vụ công tác thuế trong 6 tháng cuối năm như: phải rà soát, phân tích, đánh giá khả năng thực hiện tất cả các nguồn thu, theo từng sắc thuế, từng lĩnh vực thu, từng doanh nghiệp. Từ đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, tập trung tuyên truyền chính sách thuế mới… Đồng thời tăng cường cải cách, hiện đại hóa trong công tác kê khai, kế toán thuế; thực hiện tốt công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế; triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin…
Ngoài ra, công tác quản lý nợ thuế, đôn đốc thu nợ đọng cũng là nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Tổng cục Thuế chỉ đạo thực hiện xuyên suốt như phân loại các khoản nợ thuế để từ đó có giải pháp đôn đốc thu kịp thời, hiệu quả. Tổng cục Thuế cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm không vượt quá 5% so với thực thu năm 2012 (trừ dầu và tiền sử dụng đất).
Chế Hân