Sau khi đăng loạt bài “Lặng lẽ binh vận”, Báo SGGP nhận được nhiều chia sẻ từ độc giả về hoạt động binh vận cũng như gợi mở các hướng giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ binh vận trong kháng chiến chống Mỹ. Báo SGGP xin trích đăng những ý kiến trên.
Binh vận cứu Tỉnh đội “nhiều bàn thua” trông thấy
Mấy hôm nay đọc Báo SGGP, nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi từng đồng hành, trực tiếp phối hợp với nhiều cán bộ binh vận hoạt động. Trước 1975, ở Vĩnh Long, không ấp nào là không có đồn, có ấp có tới 3 đồn. Trong 15 tháng (năm 1974 và 3 tháng đầu năm 1975), ba mũi chính trị - quân sự - binh vận giải phóng trên 600 đồn bót. Đáng lẽ, để lấy mỗi đồn, ta cần có 1 đại đội để đánh; tổng cộng hơn 600 đồn thì cần tới 15 tiểu đoàn bộ binh. Tỉnh đội lúc đó lấy đâu ra 15 tiểu đoàn bộ binh để giải phóng hàng loạt đồn như thế? Chỉ có con đường binh vận, kết hợp 3 mũi giáp công mới mở toang hàng loạt đồn được.
Tôi thường nói với anh em, binh vận đã cứu tỉnh đội “nhiều bàn thua” trông thấy. Như vụ nội tuyến Nguyễn Bá Hài làm nội ứng. Đặc biệt, chuẩn bị cho mùa khô 1974 - 1975, tỉnh đội được giao 20 triệu đồng (tiền Việt Nam Cộng hòa) để mua đạn. Quân ta có súng nhưng thiếu đạn, có tiền chưa chắc đã mua được. Trước tình hình trên, tỉnh đội phối hợp với tổ nội tuyến binh vận đánh hậu cứ Long Hiệp (Vĩnh Long), thu được 5 ghe súng đạn (khoảng 12 tấn) làm cơ số dự bị tấn công thị xã Vĩnh Long. Tại sao công lao lớn như thế lại bị quên lãng? Cán bộ binh vận góp công nhiều như vậy, giờ chẳng có một tấm huân chương, một chút gì làm kỷ niệm cho một thời khói lửa.
Buổi gặp gỡ giữa cựu nội tuyến, cựu mật giao ở Vĩnh Long vào đầu tháng 10-2014.
Tôi xót xa lắm, xấu hổ lắm. Trong phối hợp, mình từng ra lệnh cho anh em binh vận lao vào mũi đạn; có người đã hy sinh, bao nhiêu năm qua, gia đình họ gồng mình gánh chịu. Gặp lại họ, tôi chẳng nói được gì. Nặng nợ máu xương, nhiều đêm tôi không ngủ được. Mong Trung ương làm sao sớm giải quyết tồn đọng, cho cả người sống và người đã mất được an ủi phần nào.
NGUYỄN VĂN ÚT (Mười Quẹo)
Nguyên Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó tỉnh Vĩnh Long (1970-1975)
Họ là anh hùng vô danh
Bộ binh chúng tôi còn có danh. Chúng tôi đánh trận này, trận kia còn được ghi nhận, người ta còn nhớ. Còn những cán bộ binh vận hoạt động trong lòng địch, họ là anh hùng vô danh. Năm 1966, tôi là thiếu úy thuộc Tiểu đoàn 857 (thuộc Tỉnh đội Vĩnh Long), trực tiếp chỉ huy lực lượng bên ngoài phối hợp với cơ sở nội tuyến Nguyễn Bá Hài tấn công tiêu diệt hậu cứ địch ở đình Tân Quy Tây (Sa Đéc, khi đó thuộc tỉnh Vĩnh Long). Trận đó, anh Hài làm nội ứng, giúp anh em chúng tôi cải trang thành trinh sát của ngụy. Với chiến thuật cải trang kỳ tập, ta tiêu diệt hậu cứ địch, thu trên 100 súng các loại. Anh Hài đã chết, song đến nay vẫn chưa được khen thưởng xứng đáng.
HAI KIỆT
Tôi biết nhưng không làm được gì
Thực tế, nhiều cán bộ binh vận bây giờ chưa được xét khen thưởng, giải quyết chính sách. Nơi làm rồi vẫn sót, nơi chưa làm thì sót nhiều hơn. Việc khen thưởng chưa thỏa đáng, còn tồn đọng nhiều. Tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp lãnh đạo cần cho xem xét lại, tiếp tục thực hiện chính sách chế độ đối với người hoạt động binh vận. Tôi vừa nghe TPHCM có chỉ đạo rà soát việc thực hiện chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đã tham gia công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ. Còn ở Vĩnh Long, vẫn chưa thấy gì.
Những người đã tham gia công tác binh vận, có thể xếp làm 3 nhóm: nhóm cán bộ ngành binh vận, từ cán bộ lãnh đạo cho đến nhân viên, mật giao, giao liên; nhóm cơ sở nội tuyến là lực lượng cách mạng ta hoạt động bí mật trong lòng địch; gia đình binh sĩ. Hoạt động binh vận phong phú lắm, nếu chưa xét cụ thể được thì xét phong trào, xét những trận lớn, những con người tiêu biểu trước. Trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo nội tuyến, cơ sở nội tuyến nổi tiếng mà giờ chẳng ai để ý.
Trước tình trạng còn bỏ sót nhiều, tôi day dứt lắm. Hai năm (1965 - 1967) tôi làm Phó ban Binh vận Khu 9. Anh em binh vận hoạt động năng nổ thế nào, tôi biết hết đấy, nhưng tôi chưa làm được gì trong việc đề đạt giải quyết chế độ chính sách cho anh em. Nếu đồng đội chưa được giải quyết, tôi có chết cũng khó nhắm mắt.
TRỊNH VĂN LÂU (Tư Cẩn)
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long,
nguyên Phó ban Binh vận Khu 9.
Dù khó cũng phải làm
So với các đơn vị khác, binh vận là đơn vị đặc thù: hoạt động trong lòng địch, hoạt động đơn tuyến, chỉ có 1 - 2 thủ trưởng trực tiếp biết. Nếu thủ trưởng hy sinh hay sau khi giải phóng, thủ trưởng chuyển vùng, đi các tỉnh khác sinh sống thì rất khó cho việc xác nhận hồ sơ đề nghị hưởng chính sách. Khác các đơn vị khác, việc xác nhận đối với người đã từng làm công tác binh vận là rất quan trọng.
Lý do các đối tượng này còn tồn đọng nhiều là do sau ngày giải phóng nhiều phiên hiệu đơn vị đã giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ và chính sách tại thời điểm đó chưa có gì cụ thể. Người tham gia công tác binh vận hoạt động nguy hiểm vậy nhưng đến nay sự đền đáp thật sự chưa tương xứng. Giờ đây rà soát việc thực hiện chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân đã tham gia công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ là rất khó khăn nhưng phải làm.
Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, trường hợp nếu như công tác ở Ban Binh vận mà chưa được khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến thì lập danh sách, kê khai theo biểu mẫu quy định (hoạt động ở đâu, trong địa bàn nào, thời gian nào…) rồi gửi Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Ban chủ nhiệm có trách nhiệm sưu tầm tư liệu, xác nhận và hướng giải quyết tiếp theo sẽ có chỉ đạo của UBND TP.
Trong trường hợp Trung ương khó giải quyết, vì hồ sơ thủ tục còn vênh với quy định hiện tại, có thể ngân sách TP sẽ đảm bảo quyền lợi cho các đồng chí đã tham gia công tác binh vận, như kết luận của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam trong buổi làm việc với UBND TPHCM vừa qua.
HUỲNH THANH KHIẾT
Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM
Day dứt hoài
Đến như tôi, một trong số ít cán bộ binh vận may mắn đã được phong tặng danh hiệu cao quý, nhưng nhiều khi bà con ở quê vẫn không khỏi xì xào, thắc mắc: “Hồi đó là Việt gian, giờ lại là anh hùng”. Mình là anh hùng rồi mà nhiều khi còn chưa thoát khỏi điều tiếng đó. Huống chi, nhiều anh em không còn sống, không nói được. Nếu anh em chưa được ghi nhận thì nỗi đau tê tái như thế nào. Cá nhân tôi áy náy, day dứt hoài vì anh Tư Dũng (nội tuyến Đỗ Hữu Kỉnh) chưa được khen thưởng xứng đáng.
Thậm chí, lớp trẻ bây giờ nhiều người cũng không biết binh vận là gì hết. Mới đây, cán bộ địa phương có người đến chơi, hỏi: “Bác là anh hùng nhưng sao không có cấp bậc sĩ quan gì hết”. Tôi nẫu cả ruột…
TRƯƠNG NHẬT QUANG
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
>> Lẵng lẽ binh vận - Bài cuối: Nỗi đau chưa nguôi