Phân loại, sử dụng và bảo quản sữa

Phân loại, sử dụng và bảo quản sữa

Sau bài “Chọn sữa cho con… không dễ” (Trang “Sống khỏe và đẹp” ngày 25-3), nhiều bạn đọc yêu cầu Báo SGGP giới thiệu sâu hơn về cách phân loại sữa. Bài này nhằm đáp ứng yêu cầu nói trên.

  • Phân loại sữa
Phân loại, sử dụng và bảo quản sữa ảnh 1

Cho uống sữa đúng cách để trẻ khỏe mạnh.
Ảnh: T.L.

Dưới đây là một số nhóm sữa chính để các bà mẹ có con nhỏ trong độ tuổi mầm non cân nhắc:

-Sữa tươi: là loại sữa được lấy trực tiếp từ bò, dê… Sau khi xử lý (đa số là pha loãng và tiệt trùng bằng nấu sôi, tia cực tím…), được đóng gói vào hộp, bịch, chai…: dành cho trẻ từ 1 tuổi trở lên.

-Sữa bột (nguyên kem, sữa béo, growing up) là loại sữa dạng bột được đóng trong hộp sắt hay bao thiếc. Khi uống, pha sữa bột với nước ấm. Cứ 8 lít sữa tươi làm được 1kg sữa boat. 1kg sữa bột này khi uống, pha với nước ấm thành 8 lít sữa nên còn gọi là sữa “hoàn tươi”. Các loại sữa bột trên thị trường đều được nhập khẩu. Trong sữa bột thường bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất, sắt, canxi, Taurin, DHA, RA, probiotic, chất xơ…: dành cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn.

Trong nhóm này, có thể có các loại:

* Sữa không có lactose (dành cho người không dung nạp lactose) và sữa với đạm đậu nành (dành cho người dị ứng sữa bò- dị ứng protein sữa bò):
Olac, Ensure, Sustacal, Dumex lactose free… (gốc động vật) dùng cho đối tượng kém hấp thu lactose (thường gặp trong tiêu chảy, bất dung nạp lactose).
Enplus, Nursoy, Isomil, Prosobee (gốc thực vật) cũng dùng cho đối tượng kém hấp thu đường lactose hoặc đối tượng dị ứng với protein sữa bò.

* Sữa có protein được thủy phân một phần (dùng cho người kém hấp thu trầm trọng): Pregestimil, Vivonex.

* Sữa chống ói, táo bón: Do thêm chất xơ vào sữa làm tăng khối lượng phân, giảm táo bón, và làm sữa đặc hơn nên chống ói.

- Sữa không béo (sữa gầy, sữa tách bơ) là loại sữa nguyên kem được lấy đi một phần hay toàn bộ chất béo để làm giảm năng lượng nhưng vẫn còn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng khác, thường được bổ sung thêm canxi và không có cholesterol. Loại sữa này chỉ nên dùng cho trẻ trên 2-3 tuổi bị béo phì và người lớn béo phì muốn giảm cân, người không muốn tăng cân, người có rối loạn mỡ trong máu, bệnh tiểu đường, loãng xương, kém hấp thu chất béo (trong bệnh lý gan mật). Lưu ý: như đã đề cập trong bài trước, đối với trẻ nhỏ hơn 2 tuổi, dù có béo cỡ nào cũng không được dùng sữa gầy (do thiếu một số acide béo cần thiết cho sự phát triển tế bào thần kinh và tế bào não).

- Sữa đậu nành nước (dạng công nghiệp đóng trong hộp giấy): không có đạm và béo động vật, nhưng về dinh dưỡng không bằng sữa động vật.

- Sữa đậu nành (nấu thủ công) và các thức uống giải khát có sữa… Các loại sữa này tuyệt đối
không nên dùng để nuôi trẻ con, vì năng lượng cũng như thành phần các chất dinh dưỡng rất thấp, canxi hầu như không có.

-Sữa đặc có đường: Chỉ nên dùng để pha cà phê, chứ không nên dùng để nuôi trẻ vì có hàm lượng đường quá cao, khi pha loãng để uống vừa miệng thì thành phần dinh dưỡng còn lại rất thấp và không cân đối.

- Sữa cao năng lượng: là loại sữa được bổ sung nhiều đường hoặc béo để tăng đậm độ năng lượng (1ml sữa cung cấp 1 Kcal, tức 1-2 ly sữa có thể thay cho 1 bữa ăn) dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, dùng trong giai đoạn kém ăn của trẻ em hay người lớn, người già yếu ăn uống kém, người cần phục hồi nhanh sau bệnh…

- Sữa chua dạng uống hay dạng sệt: là sữa được lên men vi sinh có lợi cho tiêu hóa và hấp thu, giảm nguy cơ tiêu chảy do thiếu men lactase.

  • Cách sử dụng và bảo quản sữa

-Sữa tươi: Nếu chỉ được nấu sôi tiệt trùng theo phương pháp thủ công và chứa trong chai với nút đậy sơ sài, cố gắng dùng hết trong vòng 24 giờ. Cần lưu ý đến độ an toàn và vệ sinh của loại sữa này, chỉ dùng sữa có thời gian nấu sôi từ 30 phút trở lên, chai đựng được vệ sinh kỹ, không để lâu hơn 24 giờ sau khi nấu.

Với các loại sữa tươi chứa trong hộp giấy được tiệt trùng theo phương pháp hiện đại thì không cần trữ lạnh trước khi mở hộp, nhưng sau khi mở hộp phải bảo quản trong tủ lạnh và dùng hết trong vòng 48 giờ.

-Các loại sữa bột: Nên luộc sôi bình sữa hay ly pha sữa trước khi pha. Tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại sữa. Đa số sữa bột hiện nay được khuyên pha với nước ấm (một nửa là nước đang sôi, một nửa là nước sôi để nguội) để giữ lượng vitamin bổ sung). Dùng đúng lượng sữa theo hướng dẫn ghi trên hộp, không pha đặc hơn hay loãng hơn. Nên pha lần nào, uống hết lần đó. Có thể trữ sữa đã pha trong tủ lạnh nhưng không để bình sữa lâu hơn 2 giờ sau khi pha. Hộp sữa bột đã mở nắp nên dùng hết trong vòng 2 tuần.

-Các loại sữa chua uống, yaourt… nên trữ lạnh và dùng trong thời hạn ghi trên hộp hay hũ nhựa. Các loại yaourt làm thủ công tại gia đình thì nên dùng hết trong vòng 4-7 ngày sau khi làm.
-Hộp sữa đặc có đường sau khi khui cần được đậy kín, tránh để kiến, gián vào và sử dụng hết trong vòng 5-7 ngày.

VIỆT VĂN

Tin cùng chuyên mục