Thời gian qua, ngành thuế có lẽ là ngành có nhiều cuộc gặp gỡ giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp nhiều nhất. Đó được đánh giá là thiện chí của ngành thuế, thế nhưng điều đó cũng nói lên sự yếu kém trong hoạt động lập pháp của Nhà nước. Vì chỉ khi quy định pháp luật không rõ ràng thì mới cần đến sự giải đáp chủ quan của cơ quan chuyên môn, gây méo mó pháp luật! Do vậy, sau 11 năm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, hẳn nhiên luật bộc lộ nhiều vấn đề bất cập và trở nên lạc hậu nên lần này người dân đặt nhiều kỳ vọng trong việc sửa đổi, bổ sung.
Trước nay, điểm ưu việt nhất của luật là tạo thông thoáng, giao quyền tự tính - tự khai - tự nộp thuế cho doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế doanh nghiệp vẫn phải đi “xin”. Vì công tác quản lý thuế hiện nay là quản lý theo rủi ro, mà đối với những địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn như TPHCM, Hà Nội thì mỗi năm chỉ kiểm tra được khoảng 10% số lượng doanh nghiệp. Như vậy, nếu kiểm tra theo chu kỳ thì 1 doanh nghiệp phải 10 năm mới bị kiểm tra 1 lần (trong khi thời gian hiệu lực của hồ sơ thuế lại không quá 10 năm). Như vậy, với cơ chế quản lý rủi ro, doanh nghiệp nào không muốn nằm trong danh sách “đỏ” thì cứ báo cáo “dương” dù 1 đồng, máy sẽ tự động chuyển vào nhóm ít rủi ro. Và sau 10 năm không kiểm tra là… hết hiệu lực.
Trong khi đó, những doanh nghiệp khác muốn tuân thủ pháp luật thì lo lắng, vì với hệ thống pháp luật hiện nay, việc hiểu không rõ, khai không đúng là chuyện thường, mà lỡ bị kiểm tra quyết toán thuế vào năm thứ 9, thứ 10 thì số tiền chậm nộp (0,03%/ngày) có thể cao hơn số thuế bị truy thu. Đó là lý do trong cuộc góp ý Luật Quản lý thuế tại TPHCM, chuyện tưởng như đùa là các doanh nghiệp đề nghị phải bổ sung quy định cho doanh nghiệp được nộp đơn xin… được kiểm tra quyết toán thuế sớm để hạn chế rủi ro!
Và thực tế, nhiều năm qua, sở dĩ việc thất thu thuế ai cũng thấy nhưng không ai chịu trách nhiệm, nguyên nhân do luật trao quyền cho cán bộ thuế mà không quy được trách nhiệm. Điển hình, dù Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhiều lần phát biểu rằng, lĩnh vực thuế khoán thất thu ngân sách rất lớn, có nguyên do cán bộ thuế bắt tay với hộ kinh doanh để giảm mức khoán, cưa lợi ích. Trong khi luật quy định về khoán thuế có cả hội đồng tư vấn thuế phường xã gồm 4 cơ quan nhưng không ai bị gì nếu để ngân sách bị thất thu. Hay như vụ khai sai thuế của Siêu thị Điện máy Nguyễn Kim, thất thu hơn 100 tỷ đồng, trong khi trong thời gian khai sai đó, Nguyễn Kim đã từng được hoàn thuế từ việc khai sai của mình. Thế nhưng, đến giờ dù đã xác định và truy thu thuế của doanh nghiệp, nhưng cán bộ thuế quản lý địa bàn vẫn không chịu trách nhiệm gì!
Dù vậy, dự thảo luật sửa đổi lần này vẫn chưa lấp được lỗ hổng đó, mà vẫn trao quyền cho cán bộ ấn định thuế, với quy định nếu cán bộ ấn định cao thì hoàn trả tiền cho doanh nghiệp, mà ngược lại nếu cán bộ ấn định thấp (doanh nghiệp và cán bộ thuế bắt tay nhau ấn thấp), gây thất thu thì vẫn không có quy định xử lý trách nhiệm cán bộ.
Do vậy, để tránh thất thu cho ngân sách và sòng phẳng về quyền và trách nhiệm thì Luật Quản lý thuế lần này cần lấp các khoảng trống của luật cũ, quy định chặt chẽ quyền của cán bộ gắn liền với trách nhiệm, nếu để xảy ra thất thu. Bởi có thể nhìn lại quá trình quản lý thuế vừa qua, chúng ta cho phép doanh nghiệp được tự in hóa đơn, thế nhưng lại không quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan thuế. Kết quả là hóa đơn trùng, hóa đơn 2 hệ thống máy tính, gây thất thu ngân sách, ai cũng biết nhưng chưa doanh nghiệp nào bị kiểm tra xử lý.