Nón ở đây là chiếc nón bảo hiểm cho người ngồi trên xe máy. Hành vi đội nón hoặc không đội, cho thấy nhiều khía cạnh đáng quan tâm về pháp luật.
Thứ nhất, tính nghiêm minh phù hợp với lợi ích thì được số đông tuân thủ. Quay ngược lại thời điểm mới ban hành quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm sẽ thấy hầu hết người tham gia giao thông bằng xe máy đều đội nón. Riêng trẻ nhỏ, do còn những ý kiến khác nhau liên quan đến khía cạnh y học, nên được “du di”. Có được kết quả đó, là do việc tuyên truyền về đội nón bảo hiểm đã được tiến hành liên tục trong thời gian dài. Và có điều đó, cũng là do khi quy định được áp dụng, hành vi không đội nón bị chế tài nghiêm khắc. Không có tuyên truyền nào mạnh hơn lợi ích. Người tham gia giao thông đội nón để bảo vệ chính lợi ích của mình, dù là tính mạng hay là túi tiền. Khi ai cũng biết bảo vệ lợi ích công cộng và lợi ích cá nhân trong khuôn khổ pháp luật, xã hội sẽ ổn cả ở bề mặt lẫn chiều sâu và ngược lại.
Thứ hai, đã là pháp luật thì phải áp dụng thống nhất. Sau một thời gian ngắn kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc với hành vi không đội nón bảo hiểm, sự lơ là của người tham gia giao thông lẫn cảnh sát giao thông đều tăng lên. Điển hình cho chuyện không nghiêm lại là ở thủ đô Hà Nội. Nhiều công dân ngồi trên xe gắn máy đi qua ngay trước mặt cảnh sát giao thông mà không “thèm” đội nón. Cùng với đó, là những chuyện kiểu như “hất cảnh sát lên ca-pô” đã tạo ra sự coi rẻ pháp luật. Ở nhiều địa phương khác, chuyện không đội nón cũng xảy ra, dù ở mức độ thấp hơn. Đáng chú ý là nhiều người có hành vi không đội nón bảo hiểm lại được cho qua, không bị phạt. Cùng một hành vi vi phạm, lại được đối xử khác nhau, sẽ khiến lòng tin vào luật pháp trở nên yếu ớt. Tại sao trong cùng một quốc gia, pháp luật lại được áp dụng khác nhau? Khi đã không thống nhất, pháp luật sẽ mất tác dụng.
Thứ ba, khi không bị nghiêm trị, sự coi thường pháp luật sẽ trở thành thói quen. Không thể chấp nhận hình ảnh những người đã đủ tư cách công dân, lại sẵn sàng “trêu ngươi” cảnh sát, không đội nón bảo hiểm và lượn xe ngay trước mắt đại diện của pháp luật. Dường như việc trêu đùa đáng xấu hổ như vậy đã trở thành thú vui của một số người. Từ bắt buộc đến tự giác là một hành trình dài. Chỉ khi nào đại đa số thành viên của xã hội tự giác tuân thủ pháp luật như một thói quen, như một phản xạ thì xã hội mới có văn minh. Thói quen coi thường pháp luật, dù đơn giản chỉ là không đội nón bảo hiểm, là nguồn gốc của bất trắc từ gốc rễ.
Thứ tư, tự giác tuân thủ pháp luật không tự nhiên có, mà phải thông qua giáo dục và trừng trị. Trước khi có tự giác, phải bắt buộc. Trước khi tuyên truyền cho thế hệ sau, thế hệ trước phải thực hiện nghiêm khắc. Những chuyện cha mẹ chở con đi học mà tìm cách “né” đội nón, đội kiểu đối phó, khuất mắt cảnh sát lại cởi nón ra… cho mát đều trở thành hình mẫu sai lệch cho trẻ nhỏ. Khi “giỡn mặt” pháp luật trở thành thú vui của người lớn, cả thế hệ sau sẽ bắt chước. Phản giáo dục cũng là một cách dạy. Nghịch lý là thường chỉ có một cách để làm đúng, nhưng có vô số cách để làm sai. Khi cái sai là hình mẫu, cái đúng sẽ bị triệt tiêu rất nhanh. Hoa không mọc được, cỏ sẽ lấn át. Sự khinh thường pháp luật được “di truyền” qua hành vi phổ biến của đám đông sẽ tạo ra một xã hội tương lai hỗn loạn.
Quan sát chuyện không đội nón trên diện rộng, sẽ thấy vấn đề ở chiều sâu. Và hẳn rằng, điều rút ra từ hành vi “không đội nón” nói trên cũng có ý nghĩa cho quan sát và đánh giá những vấn đề khác. Không đội nón bảo hiểm, đó không chỉ là chuyện về cái nón.
Vũ Thượng