Phập phồng mùa hoa, rau tết

Bất lợi
Phập phồng mùa hoa, rau tết

Chỉ còn 2 tuần nữa đến tết, nhưng ở những vùng chuyên trồng hoa, rau miền Trung, người nông dân mới bắt đầu xuống giống vụ mới sau vụ vừa rồi bị nước lũ làm mất trắng. Thế nhưng, với thời tiết đỏng đảnh hiện nay, họ vẫn cứ phập phồng cùng… thời tiết.

Làng rau Trà Quế có thể thiếu 40% sản lượng cung ứng thị trường tết. Ảnh: Nguyên Khôi

Làng rau Trà Quế có thể thiếu 40% sản lượng cung ứng thị trường tết. Ảnh: Nguyên Khôi

Bất lợi

Dừng tay cào vun đất trên những luống rau, ngửa mặt nhìn bầu trời u ám rả rích mưa, ông Nguyễn Văn Bốn (45 tuổi), ở xã Tịnh Long (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) than: thời tiết chi mà khắc nghiệt, đã hơn một tháng nay, vừa hết mưa lũ lại đến lạnh kéo dài, người trồng rau không biết đường nào lần.

Theo ông Bốn do trời lạnh nên bà con xuống giống trễ hơn so với mọi năm khoảng nửa tháng. Thông thường các loại rau quả phục vụ dịp tết phải gieo trước một tháng mới có thể thu hoạch được. Vụ rau đông - xuân năm nay toàn huyện Sơn Tịnh gieo trồng khoảng 1.100 ha rau củ quả các loại. Trong đó tập trung chủ yếu các xã Tịnh An, Tịnh Long và Tịnh Châu. Đến thời điểm này có khoảng 50% diện tích đã xuống giống. Đối với các loại, quả rau không chịu được mưa rét phải chờ trời hết mưa mới xuống giống được. Theo nhiều người trồng rau giá cả đầu vào có tăng so với năm ngoái. Tuy nhiên, bù lại giá rau bán ra cũng cao hơn mọi năm nên người trồng rau không sợ lỗ vốn.

Sau khi cơn lũ cuốn hết diện tích rau màu vừa gieo, bồi thêm một lớp cát dày, cánh đồng Bàu Tròn (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) trở nên trơ trọi. Hai tuần qua, các hộ dân nhanh chóng gieo xà lách, cải cây, dưa leo, khổ qua, bí đao… để kịp phục vụ tết. Trời nắng ấm được mấy ngày, mầm nảy xanh tươi tốt, nhưng những đợt rét đậm kèm theo mưa liên tục đã làm mất trắng diện tích vừa xuống giống.

Bà Nguyễn Thị Thúy thở dài: “Lũ muộn cuốn trôi hết rau vụ trước, vừa xuống giống lại gặp mưa rét, hơn 4ha rau màu mới trồng lại không biết số phận ra sao. Cùng chung tâm trạng, 25 hộ sản xuất rau sạch HTX rau sạch Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cũng khốn đốn bởi mưa và rét bất thường. Ông Lâm Tiến Sĩ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết nông dân vừa gieo khoảng 10ha đất rau màu thì mưa rét ập tới khiến rau bị dập lá. Tại làng rau Trà Quế (TP Hội An, Quảng Nam) - một trong những vùng chuyên canh rau sạch lớn nhất Quảng Nam, đến nay mới phủ kín được 60% diện tích do ảnh hưởng mưa rét. Ông Trần Kế, Bí thư Chi bộ thôn Trà Quế, cho biết thiếu rau phục vụ tết là khó tránh khỏi vì bây giờ 40% diện tích còn trống, trong khi cùng thời điểm này năm trước rau đã xuống giống được nửa tháng”.

Lo lắng

Trở lại làng hoa Nghĩa Hà (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) sau hơn một tháng cơn lũ đi qua, ai cũng thở ngắn than dài. Hàng chục luống hoa lay ơn của gia đình bà Lê Thị Búp ở thôn Bình Đông chỉ còn lưa thưa. Vẻ mặt buồn hiu, bà Búp than thở: “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi dành 3 sào đất bãi để xuống giống lay ơn bán tết. Năm nay, hơn 1/3 diện tích đã thối củ, héo lá, nhổ vứt đầy bờ. Năm ngoái cũng trễ nhưng hoa không hư nên qua tết vẫn bán rất chạy, còn năm nay vừa trễ, vừa hư. Nước ngập trắng đồng hoa không hư mới là chuyện lạ”. Nhiều người trồng hoa ở Bình Đông đã nhổ bỏ hàng loạt. Ông Phan Thành Nở, hàng xóm bà Búp tâm tư, năm nay mong thu hoạch được 30% số lượng hoa kịp tết là mừng lắm rồi. Nếu từ nay đến tết nắng ấm thì may ra gỡ gạc được chút ít. Vụ hoa tết năm nay, xã Nghĩa Hà có gần 150 hộ trồng hoa trên diện tích 60 ha. Theo ước tính có khoảng 10ha hoa bị hư do thời tiết bất lợi, số còn lại nhiều diện tích người dân dự đoán sẽ bị trễ.

Không thể đoán định được thời tiết nên các hộ trồng hoa ở Huế cũng điêu đứng vì mưa rét khiến sâu bệnh bùng phát. Tại xã Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), 100% hộ dân nơi đây còn có thu nhập từ nghề trồng mai vàng. Thế nhưng năm nay, người làm vườn lại đứng ngồi không yên khi thời tiết diễn biến bất thường. Ông Nguyễn Thành Nam, người có kinh nghiệm trồng mai tết tại Điền Môn, nói: Năm nay phải “đánh bạc với trời” khi nắng nóng kéo dài đến tháng 11 Âm lịch (chậm hơn mọi năm tới gần 1 tháng). Nhưng một tuần lại đây, trời đột ngột trở lạnh cộng mưa kéo dài nên không thể chọn thời điểm thích hợp để ngắt lá, tỉa cành mai thất thu trong dịp tết này là khó tránh khỏi.

H.Minh - Ng.Khôi - V.Thắng

Lúa chết cóng

Vụ lúa đông - xuân 2012, Hà Tĩnh dự định gieo cấy trên 53.000ha, đến thời điểm này đã gieo hơn 38.000ha. Tuy nhiên, đợt mưa rét kéo dài 37 ngày qua, trong đó một tuần lễ gần đây nhiệt độ xuống dưới 13°C khiến gần 1/2 diện tích chết trắng đồng. Vụ đông - xuân có vị trí đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của cả năm nguy cơ mất mùa vì trễ vụ đang cận kề và theo đó là hàng vạn gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn. Nhìn đám mạ nhà mình giữa trời mưa lạnh căm căm, thân quắt queo, bà Lê Thị Nhung, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh thở dài: “Nhà tui gieo 5 sào lúa vào hôm trước thì hôm sau trời đột ngột xảy ra mưa và rét đậm nên hạt lúa giống chưa kịp bám đất cứ thối đen… Tui đành bán 2 tạ thóc thịt để dành ăn tết, mua thóc giống về gieo lại, nhưng hạt giống chưa kịp rời tay lại gặp rét nên giống lại chết cóng...”.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, cho biết diện tích lúa chết do rét đậm, rét hại đã lên tới 16.000ha. Hà Tĩnh đang cần hơn 1.000 tấn lúa giống để gieo cấy lại, nhưng các công ty cung ứng giống trên địa bàn chỉ đáp ứng khoảng 700 tấn. Trong khi đó, thời vụ xuống giống lúa đông - xuân 2012 muộn nhất là đến ngày 21-1 phải hoàn thành khoảng 150.000ha lúa đông - xuân. Tuy nhiên, đợt rét kéo dài 37 ngày qua đã đảo lộn lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp. Nông dân trồng lúa ở đây lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Gieo lúa dài ngày giữa trời rét buốt thì giống chết ngay từ lúc rời tay. Ngược lại, đợi thời tiết ấm sẽ trễ vụ hoặc phải sử dụng giống lúa ngắn ngày. Tuy nhiên, lúa ngắn ngày vừa cho năng suất kém vừa tăng chi phí sản xuất.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ lúa đông - xuân 2012, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND các huyện trích kinh phí mua ni lông cấp miễn phí để bà con che phủ mạ cấy dặm, nhằm bù đắp diện tích lúa bị ảnh hưởng do giá rét. Trong những ngày tết, cán bộ lãnh đạo các địa phương phải xuống đồng cùng bà con nông dân khẩn cấp cứu lúa mạ.

H.Hà - D.Quang

Tin cùng chuyên mục